KỶ NIỆM 75 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9 (1945-2020)

Xây dựng thành phố du lịch hấp dẫn

.

Đó là mục tiêu mà ngành du lịch thành phố hướng đến trong những năm qua. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng du lịch Đà Nẵng đang từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Dù còn nhiều khó khăn song ngành du lịch Đà Nẵng vẫn nỗ lực đầu tư các sản phẩm mới để thu hút khách. Trong ảnh: Du khách vui chơi tại biển Đà Nẵng trong mùa du lịch 2019. Ảnh: THU HÀ
Dù còn nhiều khó khăn song ngành du lịch Đà Nẵng vẫn nỗ lực đầu tư các sản phẩm mới để thu hút khách. Trong ảnh: Du khách vui chơi tại biển Đà Nẵng trong mùa du lịch 2019. Ảnh: THU HÀ

Có thể thấy, những năm gần đây, từ cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ đến sản phẩm du lịch của Đà Nẵng đều có sự cải thiện rõ rệt. Đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự “vận động” liên tục của ngành du lịch để thích nghi với xu hướng, thị hiếu của du khách. Theo thống kê của Sở Du lịch, tính đến tháng 5-2020, tổng số cơ sở lưu trú du lịch là 993 cơ sở với 41.404 phòng. Các thương hiệu lớn, nổi tiếng thế giới đều có mặt ở Đà Nẵng, đóng góp vào sự đa dạng sản phẩm lưu trú cho từng dòng khách cụ thể.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới lâu nay được thành phố quan tâm đúng mức. Ngoài các sản phẩm đã tạo được ấn tượng, trở thành thương hiệu của thành phố như: Khu du lịch Sun world Bà Nà Hills, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Cầu Vàng..., nhiều đề án phát triển du lịch đã được UBND thành phố phê duyệt và từng bước triển khai như: "Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang-Mân Thái”, “Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô”, “Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang”, “Đề án cơ cấu lại ngành du lịch thành phố”… được kỳ vọng sẽ làm thay đổi và tạo ra sự khác biệt cho du lịch Đà Nẵng.

Những người làm dịch vụ cho rằng, việc bổ sung các sản phẩm mới thường xuyên cũng là một trong những cách để thu hút khách du lịch. Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigon Tourist - chi nhánh Đà Nẵng bày tỏ ý kiến, muốn khách quay lại nhiều lần thì phải tạo ra sự khác biệt cho điểm đến. Đà Nẵng cần có thêm các sản phẩm về đêm để thu hút và kích thích chi tiêu của du khách. Vấn đề Đà Nẵng đang thiếu là quy hoạch và xây dựng một khu phức hợp để du khách đến đó cả ngày, thậm chí cả đêm để mua sắm, chơi các trò chơi, uống nước, thư giãn… “Khi đi du lịch, du khách thường thích tương tác với văn hóa địa phương nên rất cần những khu mua sắm có các hoạt động của người dân bản địa.

Vì vậy, cần có sự nghiên cứu, đầu tư sản phẩm địa phương một cách bài bản”, ông Trần Lực đề xuất. Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours Lê Tấn Thanh Tùng gợi ý thành phố nên mạnh dạn và cần làm sớm phố đi bộ từ cầu Nguyễn Văn Trỗi, đi dọc cầu Trần Thị Lý. Khi có tuyến phố này, các dịch vụ giải trí về đêm trong khu vực sẽ phong phú hơn bằng cách quy hoạch, hình thành các loại hình giải trí về đêm tại đó. Trong khi đó, travel bogger (những người đam mê đi trải nghiệm và viết về du lịch) Tô Thái Hùng (đến từ Hà Nội) cho rằng, Đà Nẵng cũng có thể tập trung phát triển sản phẩm du lịch đêm ở lĩnh vực ẩm thực bởi ẩm thực của Đà Nẵng nói riêng, miền trung nói chung khá ngon và đặc trưng để du khách thưởng thức.

Tại tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm” diễn ra ngày 10-7 vừa qua, PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, Đà Nẵng hội tụ nhiều yếu tố để phát triển du lịch, đặt mình ở tư thế vươn tầm thế giới. Muốn làm được vậy, Đà Nẵng cần có cách làm kinh tế đêm khác với một số nơi trong cả nước hiện nay.

Đầu tiên, phải như một chiến lược cạnh tranh phát triển của thời đại sau nền kinh tế công nghiệp thông thường chuyển sang nền kinh tế dịch vụ đẳng cấp. Sau đó, kinh tế ban đêm phải được coi như một phương thức cạnh tranh mà đây là phương thức cạnh tranh quốc tế. Các sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm phải tạo được sự khác biệt. Các hiệp hội du lịch, công ty du lịch phải phát triển các loại hình đó thành các chuỗi sản phẩm du lịch ban đêm. Đồng thời phải có các điều kiện bảo đảm trong đó như: hạ tầng, khung pháp lý để bảo vệ những người tham gia vào kinh tế đêm...

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, chính quyền địa phương, ngành du lịch thành phố đang từng bước có các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay để vừa thu hút khách vừa tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của du khách. Trong thời gian tới, cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân thành phố.

Trong đó, xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tiễn tình hình (hoạt động du lịch rất nhạy cảm với những biến động về kinh tế-xã hội trong và ngoài nước, thiên tai, dịch bệnh...); nghiên cứu đề xuất tầm nhìn quy hoạch không gian, sản phẩm du lịch chủ lực để khớp nối vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045; xây dựng và triển khai Đề án phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế thí điểm phát triển kinh tế ban đêm đối với 3 nhóm dịch vụ chính gồm: ẩm thực, vui chơi giải trí và mua sắm. Ngành Du lịch thành phố tiếp tục phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch; quy hoạch và kêu gọi đầu tư trung tâm vui chơi giải trí quy mô lớn...

THU HÀ

 

;
;
.
.
.
.
.