Học nghề từ mảng... Startup

.

Là phóng viên chuyên viết về đề tài khởi nghiệp, sau 4 năm tôi rút ra được một số bài học làm nghề cho riêng mình. Đó là, muốn có sản phẩm báo chí chất lượng trước hết phải hiểu về cái mình viết và đừng để niềm vui của mình chỉ giới hạn trong việc bài báo được lên trang và xuất bản mà cần nhiều hơn thế....

Nhiều người trẻ có tư duy khởi nghiệp đáng học hỏi và đây là đề tài cho nhiều bài báo của phóng viên. Ảnh: K.N
Nhiều người trẻ có tư duy khởi nghiệp đáng học hỏi và đây là đề tài cho nhiều bài báo của phóng viên. Ảnh: K.N

Khởi nghiệp - Startup chính thức xuất hiện ở Đà Nẵng vào khoảng năm 2015 với sự ra đời của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng. Một năm sau, tôi chính thức nhận nhiệm vụ tuyên truyền hoạt động khởi nghiệp. Lúc đó, tôi gần như chưa có kiến thức gì về khởi nghiệp, thậm chí chưa phân biệt được thế nào là lập nghiệp, thế nào là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tôi vẫn nhớ lời một người chị đồng nghiệp từng nói với mình ngày mới bước chân vào nghề rằng mọi sự giỏi, kém của một phóng viên đều thể hiện ở từng con chữ trên mặt báo. Thời điểm ấy, điều tôi lo nhất là bài viết của mình kém, gây “khổ” cho những người biên tập và nếu qua được “ải” tòa soạn, sẽ tiếp tục gây “khổ” cho bạn đọc.

May mắn thay, những năm đầu tiên Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng tổ chức rất nhiều lớp học, hội thảo bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp miễn phí. Hầu như lớp nào tôi cũng đến tham dự, vừa để gặp gỡ cộng đồng startup địa phương, vừa để học về mảng ngành kinh tế mình phụ trách. Có lần, diễn giả trình bày về các vòng gọi vốn series A, series B…

Tôi nghe nhưng chưa thật sự hiểu lắm, bèn đợi đến phần hỏi đáp để đặt câu hỏi: “Anh có thể giải thích thế nào là series A, series B… cho một người không làm startup và cũng chưa có kiến thức về lĩnh vực này được không ?”. Tôi vẫn nhớ, lúc đó mình đã phải vượt qua sự ngại ngùng để đặt câu hỏi này, bởi lẽ trong hội thảo dường như chỉ có một mình tôi “ngoại đạo”. Ai dè diễn giả… khen câu hỏi của tôi (có lẽ một phần vì phép lịch sự) và trả lời rất cụ thể. Về sau, tôi gặp lại một vài nhà khởi nghiệp đã từng tham dự hội thảo hôm ấy, nhiều người vẫn nhớ tôi và vui vẻ trò chuyện, tất cả nhờ câu hỏi “khờ khạo” năm nào… 

Ảnh: K.N
Ảnh: K.N

Qua thời gian, tôi nhận ra việc có kiến thức về mảng khởi nghiệp không chỉ để viết cho hay, cho tốt, mà còn để giúp mình nhận ra cái gì nên viết, cái gì không. Có một đợt startup nổi lên như một phong trào, người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp. Các cuộc thi khởi nghiệp “mọc” lên như nấm sau mưa, một số cuộc thi trao giải rồi… thôi, dự án đem về… xếp xó. Nếu cũng chạy theo cái guồng ấy, không khác gì tôi cũng góp phần “điểm tô hoa lá” cho những thứ bề nổi, “sáng nở, tối tàn”. Còn có thực trạng một số “startup” rất thích được…lên báo chí.

Khi tiếp cận với giới truyền thông, họ có thể “thổi phồng” những gì đang làm, hoặc chỉ nói… một nửa sự thật. Mỗi lần đi phỏng vấn startup, trong đầu tôi đều có câu hỏi: Nhỡ bây giờ mình viết về họ “tốt đẹp” quá, một thời gian sau, họ thất bại thì sao? Đặc biệt là đối với startup, tỷ lệ “chết yểu” không hề thấp. Tôi sợ nhất là bài viết của mình sẽ trở thành một bài PR, một thông cáo báo chí của doanh nghiệp.

Về sau, tôi rút ra được cho mình một kinh nghiệm: khoan vội tin vào những lời nói như “sản phẩm của chúng tôi rất đơn giản, dễ dùng, hoàn toàn khác biệt, có thể thay đổi thói quen của người tiêu dùng”. Hãy đặt câu hỏi về các con số, tỷ lệ chuyển đổi, lượng người dùng hoạt động hằng ngày, kết quả startup đạt được… Sự thay đổi của những con số này qua thời gian chứng minh cho câu chuyện cần viết. Ngoài ra, bất kỳ khi nào cảm thấy nghi ngại, người viết đều có thể hỏi những người có chuyên môn hoặc lược bỏ những ý chưa chắc chắn. Trong gần 4 năm theo tuyên truyền về startup tôi đã viết về nhiều startup mà bây giờ không còn tồn tại nữa. Tuy vậy, khi nhìn lại, tôi vẫn vui vì bài viết của mình không “tô hồng” sự thật.

Viết báo mảng khởi nghiệp, niềm vui của tôi không chỉ nằm ở việc bài mình được đăng mà còn ở sự kết nối với những người bạn mới. Rất nhiều người khởi nghiệp tại Đà Nẵng chỉ trong khoảng 20-35 tuổi, song ở họ có tư duy, sự năng động và kỹ năng làm việc đáng nể. Vài lần khi phỏng vấn, tôi hỏi họ “bí kíp” sắp xếp công việc, cách vượt qua các chướng ngại vật về tinh thần và vật chất để hoàn thành mục tiêu. Thi thoảng, tôi cũng giúp kết nối một số người khởi nghiệp với những người trong mạng lưới quen biết của mình. Nhiều trường hợp khởi nghiệp từ đề tài nghiên cứu khoa học, người sáng lập xuất thân là sinh viên hoặc nhà nghiên cứu, không có nhiều mối quan hệ trong lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp.

Có lần, tôi đến phỏng vấn ở một công ty và được biết họ vừa thành lập quỹ đầu tư, muốn tìm các dự án công nghệ để hợp tác. Ghi nhớ thông tin này, sau đó cứ gặp dự án công nghệ nào tôi cũng đều đề cập đến. Cuối cùng, có một đề tài nghiên cứu khoa học của cựu sinh viên Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng chính thức hợp tác với công ty trên. Niềm vui của người làm báo không chỉ ở từng con chữ được đăng, cầm trên tay số tiền nhuận bút của bài viết, mà còn ở tác động, hiệu quả xã hội mà nó mang lại cho bạn đọc, những độc giả thân thiết của Báo Đà Nẵng.

KHANG NINH

 

;
;
.
.
.
.
.