QUYẾT LIỆT PHÒNG, CHỐNG nCoV

Doanh nghiệp chủ động gỡ khó trước dịch bệnh

.

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Đà Nẵng có quan hệ thương mại với Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng không nhỏ trước diễn biến của dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Các doanh nghiệp cần chủ động nguồn cung trong thời gian dịch nCoV diễn ra. (Ảnh chụp tại Công ty CP Dệt may 29-3).  		    Ảnh: KHANG NINH
Các doanh nghiệp cần chủ động nguồn cung trong thời gian dịch nCoV diễn ra. (Ảnh chụp tại Công ty CP Dệt may 29-3). Ảnh: KHANG NINH

Theo ghi nhận của phóng viên, dù Đà Nẵng có ít doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trực tiếp sang Trung Quốc nhưng một số đơn vị lại nhập phần lớn nguyên vật liệu đầu vào từ nước này. Dịch nCoV bùng phát vào dịp Tết Nguyên đán; đến nay các doanh nghiệp mới bắt đầu quay lại hoạt động nên đa phần chưa có kế hoạch xử lý cụ thể. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn nguyên vật liệu dự trữ, đủ để xử lý đơn hàng trong vòng 2-3 tháng tới. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì khả năng cao là các doanh nghiệp sẽ phải tìm đối tác khác. Trung Quốc vốn là bạn hàng lâu năm của nhiều doanh nghiệp, nếu tìm nhà cung ứng khác thì cũng sẽ mất thời gian và chi phí tăng. Đây là điều có thể nhìn thấy trước được.

Dệt may là một trong những ngành được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch nCoV. Ông Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng phòng Kinh doanh - Xuất nhập khẩu, Công ty CP Dệt may 29-3 cho biết, thị trường xuất khẩu chính của đơn vị là các nước châu Âu, song Trung Quốc lại là nơi cung cấp 40-50% nguyên vật liệu đầu vào của công ty. “Trong tuần này, các bạn hàng Trung Quốc của doanh nghiệp vẫn tạm thời ngưng hoạt động, dự kiến qua đầu tuần mới có thông báo về khả năng cung cấp nguyên vật liệu trong thời gian tới.

Dịch bệnh diễn ra trong thời điểm Việt Nam và Trung Quốc đều đang nghỉ Tết Nguyên đán nên lượng nguyên vật liệu dự phòng của công ty không nhiều. Trước mắt, trong vài tuần tới, Công ty CP Dệt may 29-3 vẫn tiếp tục thực hiện các đơn hàng đã có sẵn nguyên vật liệu đầu vào dự trữ; đồng thời tìm kiếm các nguồn cung mới trong nước và Đông Nam Á như: Thái Lan, Singapore, Malaysia... để thay thế”, ông Vinh cho hay.

Theo ông Vinh, việc tìm nguồn cung mới sẽ tương đối mất thời gian, bởi công ty và người mua phải kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, thay đổi đầu vào cũng sẽ dẫn đến thay đổi trong giá thành sản phẩm. Để đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị sẽ cần khoảng thời gian từ 2-3 tuần nữa. Qua tìm hiểu cho thấy, một số doanh nghiệp khác đã có kế hoạch chủ động nguyên vật liệu, đủ để “câu giờ” trong khi chờ các diễn biến mới của dịch bệnh.

Doanh nghiệp duy trì sản xuất và chủ động gỡ khó trước tình hình dịch bệnh. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Lovepop Việt Nam.                          Ảnh: KHANG NINH
Doanh nghiệp duy trì sản xuất và chủ động gỡ khó trước tình hình dịch bệnh. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Lovepop Việt Nam. Ảnh: KHANG NINH

Theo ông Mai Văn Khoa, Giám đốc Công ty CP Cửa đẹp Adoor Việt Nam (quận Thanh Khê), Trung Quốc là đối tác làm ăn quan trọng của Adoor khi tất cả nguyên vật liệu của doanh nghiệp đều nhập từ quốc gia này. Tuy vậy, mỗi lần nhập nguyên vật liệu, doanh nghiệp đều tính toán để sản xuất đủ trong 3 tháng nên vẫn chưa ảnh hưởng nhiều. Nếu đến cuối tháng 3, việc nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Hiện tại, Adoor đã xây dựng phương án dự trù là đặt các bộ phận rời trong nước và tự lắp ráp, song giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ tăng lên.

Còn tại Công ty TNHH Lovepop Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Minh Vũ, Giám đốc công ty cho biết, tuy không giao dịch nguyên vật liệu trực tiếp với bạn hàng Trung Quốc, công ty vẫn có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn hàng do Trung Quốc vẫn đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, Lovepop Việt Nam đang xem xét lượng nguyên vật liệu tồn kho và tìm kiếm thêm những nhà cung cấp khác trong cùng hạng mục để dự phòng.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng thông tin, theo khảo sát sơ bộ của VCCI Đà Nẵng, các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất đang chịu nhiều ảnh hưởng do việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc gặp khó khăn. Chỉ trừ những doanh nghiệp vừa và lớn có chiến lược quản trị rủi ro, có kế hoạch và phương án dự phòng thì những doanh nghiệp nhỏ khác chỉ nhập lượng hàng vừa đủ, tránh tồn kho và tránh đọng vốn.

Do vậy, với dịch bệnh bất ngờ xảy ra này, đã có một số doanh nghiệp trao đổi với VCCI Đà Nẵng về tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu để sản xuất. Sau khi tổng hợp đầy đủ ý kiến doanh nghiệp, VCCI Đà Nẵng sẽ tìm phương án để định hướng cho doanh nghiệp hội viên trong thời gian tới.

KHANG NINH - MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.