Ông Vũ Đức Thịnh - Tổng Giám đốc Lazada Express Việt Nam:

Đà Nẵng có thể vận dụng kinh tế chia sẻ để hỗ trợ tích cực cho ý tưởng khởi nghiệp

.

So với trước đây, ngày càng có nhiều nguồn lực hỗ trợ mọi mặt cho startup, trong đó, xu thế phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế chia sẻ mở ra những cơ hội mới, những góc nhìn khác biệt, làm thay đổi về tư duy sáng tạo và quan điểm về khởi nghiệp thay vì những lối mòn truyền thống như trước đây. Điều này góp phần chỉ dẫn những doanh nghiệp non trẻ vượt qua thử thách, giúp họ khắc phục nhiều điểm yếu, tạo đà cho những dự án kinh doanh đầy tham vọng nếu các startup trẻ biết cách tận dụng.

Chỉ 2 thập kỷ trước thôi, khó ai tin được có thể tồn tại những doanh nghiệp không có gì trong tay như vốn, bất động sản… mà có thể làm nên thành công. Nhưng hiện nay, điều đó đang diễn ra từng ngày từng giờ trong thời đại công nghiệp 4.0. Điển hình như công ty cung ứng dịch vụ di chuyển lớn hàng đầu Đông Nam Á (Grab) không sở hữu xe; trang mạng xã hội phổ biến hàng đầu thế giới (Facebook) không sản xuất nội dung; nhà bán lẻ có giá trị cao hàng đầu (Alibaba) không hề có hàng tồn kho; dịch vụ cung cấp chỗ ở lớn hàng đầu (Airbnb) lại không sở hữu bất động sản nào… Không chỉ tay trắng làm nên công ty tỷ USD, những doanh nghiệp táo bạo ấy đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng và sinh hoạt của hàng tỷ người trên khắp thế giới, đó là nhờ vào nền kinh tế chia sẻ.

Trên nền tảng đó, các mô hình gọi vốn từ cộng đồng cho các starup cũng ngày càng đa dạng, phong phú và sáng tạo hơn. Người có dự án phù hợp đăng ý tưởng của mình lên nền tảng để cộng đồng xem xét cấp vốn hoặc các doanh nghiệp có tài sản, máy móc thừa, nhà kho chưa dùng đến, sản phẩm tồn kho… có thể trao đổi với nhau để đôi bên cùng có lợi; đồng thời tiết kiệm thời gian chuyển tiền.

Kinh tế chia sẻ là khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng, kết hợp các yếu tố công nghệ để hợp thành mô hình kinh doanh. Khởi xướng mô hình này là các công ty khởi nghiệp, đối tượng không sở hữu nhà máy hay kho hàng nào nhưng lại huy động được kho tài nguyên của người dùng toàn cầu. Bản chất của kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. So với mô hình kinh tế truyền thống, kinh tế chia sẻ là trung tâm với ứng dụng công nghệ số.

Tiềm năng phát triển của kinh tế chia sẻ là rất lớn và là tương lai của môi trường kinh doanh toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chính phủ đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; theo đó, khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng; đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ phát triển thuận lợi hơn, hạn chế những rủi ro về mặt pháp lý, giúp các bên tham gia dịch vụ dễ dàng giao kết hợp đồng và trách nhiệm lẫn nhau. Trong xu thế đó, Đà Nẵng là địa phương có tiền đề khởi nghiệp sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, do đó, các starup của Đà Nẵng có thể vận dụng linh hoạt để có thêm nhiều cơ hội biến ý tưởng thành hiện thực.

    Khánh Hòa ghi

;
;
.
.
.
.
.