Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất lớn

.

Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Chương trình số 42-CTr/TU ngày 5-2-2020 về triển khai thực hiện chuyên đề đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới (với mục tiêu tổng quát là tập trung phát triển bền vững theo 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường).

Theo đó, thành phố đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả, tạo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm. Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nông thôn; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của cư dân nông thôn.

Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn; nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo vệ, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên và môi trường. Thành ủy chỉ đạo tập trung phát triển 3 lĩnh vực mũi nhọn chính để tạo sự tăng trưởng bền vững gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá; bảo vệ và phát triển rừng gắn với trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn.

Về nhiệm vụ và giải pháp, Thành ủy yêu cầu rà soát, quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh phát triển vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng các vùng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Hòa Vang, hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Nẵng…

Tập trung triển khai tốt các chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững, phát triển khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khai thác hải sản xa bờ, chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền, cơ cấu nghề khai thác hải sản xa bờ, chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền, cơ cấu nghề khai thác theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo đảm các quy định của khu vực và quốc tế.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững; tập trung quản lý, bảo vệ rừng gắn với các giải pháp nâng cao độ che phủ rừng, tăng diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu cây gỗ lớn; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Song song, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, sự tham gia của nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn…

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.