Làm gì để du khách chi tiêu nhiều hơn?

.

Du lịch Đà Nẵng đang hướng đến chất lượng (nhiều khách chi tiêu cao) thay vì số lượng khách. Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút khách, đặc biệt là để du khách chịu chi là vấn đề cần bàn.

Tăng chi tiêu của khách và giữ khách lưu tại Đà Nẵng lâu hơn là bài toán mà ngành du lịch thành phố phải tính đến. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan Đà Nẵng bằng xích lô. 														Ảnh: Thu Hà
Tăng chi tiêu của khách và giữ khách lưu tại Đà Nẵng lâu hơn là bài toán mà ngành du lịch thành phố phải tính đến. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan Đà Nẵng bằng xích lô. Ảnh: Thu Hà

Theo tính toán, kết quả chi tiêu của du khách dựa vào kết quả điều tra khảo sát thông tin du lịch được thực hiện từ tháng 9 đến tháng 11-2019, căn cứ số liệu do Sở Du lịch cung cấp trên tổng số khách nghỉ qua đêm tại các cơ sở lưu trú là 5,92 triệu lượt khách (trong đó có 2,42 triệu lượt khách nội địa, 3,5 triệu lượt khách quốc tế). TS Trần Thị Kim Thu, chuyên gia tư vấn thống kê đã chỉ ra rằng, về cơ cấu khách nghỉ qua đêm/đi trong ngày, thì khách nghỉ qua đêm: khách quốc tế chiếm 91,7%, khách nội địa chiếm 88,3% (năm 2017 khách quốc tế chiếm 92,2% và khách nội địa chiếm 74,2%); số khách đi trong ngày: khách quốc tế chiếm 8,3% và khách nội địa chiếm 11,7% (năm 2017, khách quốc tế chiếm 7,8% và khách nội địa chiếm 25,9%).

Theo Phòng Quản lý cơ sở lưu trú, Sở Du lịch thành phố thống kê số ngày lưu trú bình quân tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố năm 2019 ước đạt 2,68 ngày (giảm 0,05 ngày so với năm 2018); trong đó  ngày lưu trú bình quân khách quốc tế ước đạt 2,9 ngày (giảm 0,1 ngày so với năm 2018), khách nội địa ước đạt 2,35 ngày (giảm 0,05 ngày so với năm 2018). Chi tiêu bình quân một ngày của khách du lịch quốc tế tại Đà Nẵng trong năm 2019 theo khảo sát là khoảng là 2,3 - 2,86 triệu đồng/ngày/khách; mức chi tiêu của khách lưu trú nội địa là 1,4 - 1,72 triệu đồng/ngày/khách.

Trong khi đó, mức chi tiêu của du khách tại một số quốc gia như: tại Singapore là 286 USD (khoảng 6,3 triệu đồng), Phukhet (Thái Lan) là 239 USD (khoảng 5,26 triệu đồng); Bangkok (Thái Lan) là 173 USD (khoảng 3,8 triệu đồng), Seoul (Hàn Quốc) là 181 USD (khoảng 3,98 triệu đồng); Hà Nội là 114 USD (khoảng 2,5 triệu đồng)…

Theo Sở Du lịch, năm 2019, Đà Nẵng ước đón khoảng 8,7 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế và 5,2 triệu lượt khách nội địa.

Tổng thu du lịch năm 2019 dự kiến đạt 30.973 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với năm 2018. Trong những cuộc họp gần đây của Sở Du lịch và UBND thành phố tổ chức, các chuyên gia, những người làm du lịch đều cho rằng, đã đến lúc ngành du lịch thành phố nên tập trung vào chất lượng khách, tức là thu hút những khách chi tiêu cao thay vì những khách du lịch đi tour giá rẻ. Để tạo cơ sở cho định hướng này, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố phân tích, cần phải xác định rõ khái niệm tour giá rẻ.

Tour giá rẻ hay tour “0 đồng” là chiêu thức cạnh tranh bằng giá để thu hút khách của các công ty lữ hành. Khách có thể mua tour với giá “0 đồng” hoặc giá tour chỉ là giá vé máy bay khứ hồi. Chương trình tour chủ yếu đi mua sắm và tham quan các điểm miễn phí hoặc có giá vé thấp, các bữa ăn có định mức thấp. Các công ty lữ hành khai thác những tour này sẽ có nhiều cách để bù lỗ, thu được lợi nhuận thông qua việc nhận phí hoa hồng cao hoặc ăn chia doanh thu khi đưa khách đến cơ sở mua sắm và bán các dịch vụ ngoài tour. Hiện nay, tour giá rẻ xuất hiện ở rất nhiều điểm đến trên thế giới như: Nga, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Việt Nam và ngay cả ở Trung Quốc với thị trường chính là du khách Trung Quốc.

Hiện Đà Nẵng có 85 dự án du lịch đã và đang được triển khai đầu tư với số vốn 7,2 tỷ USD, trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài, nhiều dự án ven biển cao cấp quốc tế, các khách sạn, vui chơi giải trí lớn và hệ thống trung tâm mua sắm.

Nguồn: Sở Du lịch


Tại Đà Nẵng, năm 2019, tổng lượt khách  quốc tế lưu trú  ước đạt 3,5 triệu lượt (tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó khách Hàn Quốc ước đạt 1,7 triệu lượt khách (tăng 15%, chiếm tỷ lệ gần 50%), khách Trung Quốc ước đạt khoảng 700.000 lượt (tăng 26%, chiếm tỷ lệ 20%). Như vậy, lượng khách 2 thị trường này chiếm 70% tổng khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng tương đương gần 2,5 triệu lượt khách quốc tế lưu trú năm 2019.

Trong đó, khách Trung Quốc đi tour giá rẻ ước khoảng 616.000 lượt, chiếm 88% lượng khách Trung Quốc lưu trú tại Đà Nẵng. Đặc thù của thị trường Trung Quốc là khách phải được cấp thị thực vào Việt Nam và được một công ty lữ hành Việt Nam bảo lãnh. Khách Trung Quốc đi tour truyền thống (không mua sắm) là 12%, tương đương 84.000 lượt; khách Hàn Quốc đi tour giá rẻ ước đạt 357.000 lượt, chiếm 21% lượng khách Hàn Quốc lưu trú tại Đà Nẵng. Đặc thù của thị trường Hàn Quốc là khách được miễn thị thực nên lượng khách Hàn Quốc đi tour truyền thống và đi lẻ rất lớn ước khoảng trên 1,3 triệu lượt, chiếm 79% tổng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng (do được miễn visa, khách tự đặt dịch vụ không thông qua lữ hành...). “Như vậy, tổng lượng khách đi tour giá rẻ của 2 thị trường này ước khoảng gần 1 triệu lượt khách trên tổng số 3,5 triệu lượt khách quốc tế lưu trú. Các thị trường khách quốc tế khác chỉ đi tour truyền thống và đi lẻ”, bà Hạnh cho hay.

Đầu tư thêm các sản phẩm du lịch, tiện ích cũng là một cách để hấp dẫn du khách. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn.                     ảnh: THU HÀ
Đầu tư thêm các sản phẩm du lịch, tiện ích cũng là một cách để hấp dẫn du khách. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn. ảnh: THU HÀ

PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Việt Nam lưu ý, ngành du lịch thành phố phải quan tâm đến việc phát triển chất lượng các sản phẩm, thu hút chi tiêu của khách, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn và đóng góp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội. Đà Nẵng nên chọn cách quản lý theo sức chứa để bảo đảm tính bền vững. Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng bày tỏ ý kiến, đã đến lúc du lịch Đà Nẵng cần phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu. Hiện nay, Đà Nẵng đang bị mất cân đối lớn về nguồn khách, đồng thời chưa khai thác hết được giá trị văn hóa, thiên nhiên, lịch sử của địa phương để đa dạng hóa các sản phẩm.

Bên cạnh đó, cần thu hút đầu tư có trọng điểm cho hệ thống dịch vụ cao cấp, tạo hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp với nguồn khách đặc biệt, khách có khả năng chi trả cao. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng nhà ga, cảng biển..., thành phố cũng cần định vị nguồn khách một cách rõ ràng, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên các định vị gắn với văn hóa địa phương để tăng số ngày lưu trú, tăng chi tiêu.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh cũng cho hay, ngành du lịch thành phố cũng đang tính đến các giải pháp để trong thời gian tới sẽ tăng ngày lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách. Cụ thể, sẽ phát triển dịch vụ du lịch về đêm, nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch đối với 3 nhóm dịch vụ chính: ẩm thực, vui chơi giải trí và mua sắm; tiếp tục phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch; phát triển du lịch đường thủy bằng cách có cơ chế cho đầu tư bến tàu, cầu tàu, bến du thuyền, điểm dừng chân, tàu du lịch. Bên cạnh đó, cần thu hút đầu tư tàu thủy lưu trú du lịch tiêu chuẩn 4-5 sao với các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, bar...; khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục sáng tạo để tổ chức khai thác thêm các dịch vụ phục vụ khách như dịch vụ ẩm thực, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí trong nhà tại các cơ sở lưu trú du lịch để tiếp thị đến khách hàng...

THU HÀ
 

;
;
.
.
.
.
.