Ngừng cho vay ngoại tệ theo lộ trình: Không bất ngờ nhưng có ảnh hưởng

.

Từ 1-10, các ngân hàng thương mại đã dừng cho doanh nghiệp vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ. Theo ghi nhận, việc ngừng cho vay ngoại tệ tuy không gây bất ngờ, nhưng vẫn ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Chính sách dừng cho vay ngoại tệ đã có lộ trình, không gây bất ngờ nhiều cho doanh nghiệp.  TRONG ẢNH: Hoạt động tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Đà Nẵng.
Chính sách dừng cho vay ngoại tệ đã có lộ trình, không gây bất ngờ nhiều cho doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Hoạt động tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Đà Nẵng.

Cụ thể, theo Thông tư số 42/2018/TT-NHNN quy định cho vay ngoại tệ ngày 28-12-2018, sau ngày 30-9, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước.

Trước đó, từ ngày 1-4, các doanh nghiệp xuất khẩu đã không được vay vốn bằng ngoại tệ cho các nhu cầu ngắn hạn. Thay vào đó, các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ ngắn hạn phải chuyển từ vay sang mua ngoại tệ trên thị trường hoặc vay vốn bằng Việt Nam đồng.

Theo ghi nhận, các doanh nghiệp không bất ngờ về chính sách dừng cho vay ngoại tệ. Ông Trương Phi Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinafor Đà Nẵng chia sẻ, công ty chủ yếu sử dụng Việt Nam đồng trong hoạt động thanh toán và sản xuất, nguồn nguyên liệu cũng từ nội địa, đối với các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài thì lợi nhuận ngoại tệ thu về không bị ảnh hưởng bởi chính sách.

Mặc dù vậy, theo ông Cường, việc dừng cho vay ngoại tệ ít nhiều vẫn có ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần nhập nguyên liệu để sản xuất hàng hóa.

Ở một khía cạnh khác, ông Mai Văn Khoa, Giám đốc Công ty CP Cửa đẹp Adoor Việt Nam nhìn nhận, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài sẽ chịu tác động nhiều, nhất là trong bối cảnh có những chính sách điều chỉnh về thuế.

Đơn cử như đầu tháng 10 vừa qua, sản phẩm nhôm thanh từ Trung Quốc nhập về Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá 2,49 - 35,58%, cùng với đó, không còn được vay ngoại tệ theo chính sách ngừng cho vay ngoại tệ có hiệu lực khiến các đối tác cung cấp nhôm cho Adoor buộc phải có sự điều chỉnh tăng giá thành cung cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm đầu ra của công ty.

Ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp có thể nhận thấy là, so với vay Việt Nam đồng, vay ngoại tệ có lãi suất thấp hơn, có lợi cho doanh nghiệp hơn. Nếu như trước đây, doanh nghiệp vay trung và dài hạn ngoại tệ (USD) với chi phí khoảng 5-6%/năm, cộng thêm phần chênh lệch tỷ giá khoảng 2%/năm, thì tổng chi phí vốn rơi vào khoảng 7-8% năm. Tỷ lệ này thấp hơn so với đi vay Việt Nam đồng trung và dài hạn hiện ở khoảng 9-11%/năm.

Về phía ngân hàng, theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, việc dừng cho vay ngoại tệ đã có chủ trương từ 5-7 năm qua, mỗi năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều có lộ trình thông báo tới các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Thông tư 42/2018/TT-NHNN cũng đã ban hành được gần một năm nên nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị sớm, tính toán trước kế hoạch đầu tư sản xuất từ vốn vay bằng ngoại tệ, cho nên, việc ngừng cho vay ngoại tệ có ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhưng không gây bất ngờ.

Trước thời điểm chính sách dừng cho vay ngoại tệ có hiệu lực, những doanh nghiệp đang còn dư nợ ngoại tệ trung và dài hạn hầu hết đã được các ngân hàng thương mại thông báo về chủ trương này để có phương án chủ động cân đối lại nguồn vốn.

Đồng thời, để hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng cũng chủ động cập nhật các dự báo tỷ giá, tư vấn những giải pháp tài chính thay thế… nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng nhất. Thời gian qua, các đối tượng doanh nghiệp được vay ngoại tệ đã giảm dần theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước và bản thân các ngân hàng thương mại cũng giảm dần huy động ngoại tệ đầu vào để chấm dứt cho vay ngoại tệ, chuyển dần từ quan hệ tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ từ trước nên không bị động.

Ông Võ Minh cho rằng, hiện nay, lãi suất Việt Nam đồng hợp lý, tiền đồng đang giữ ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuận lợi hơn trong việc mua bán ngoại tệ.

Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép cho nhiều tổ chức tín dụng kinh doanh ngoại hối, trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố bảo đảm cân đối; vì vậy, các ngân hàng thương mại sẵn sàng mua ngoại tệ của doanh nghiệp và bán ngoại tệ cho doanh nghiệp khi cần thiết.

Theo chiến lược phát triển ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8-8-2018, từ năm 2020 sẽ giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% và đến năm 2030 còn 5%; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030, cơ bản khắc phục tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.

Bài và ảnh: MAI QUẾ

;
;
.
.
  • Chợ Giá - Thị trường ngoại tệ, tài chính, ngân hàng
.
.
.