Chia sẻ kiến thức xây dựng thành phố thông minh

.

* Vinh danh  50+10 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2019

Ngày 23-10, UBND thành phố Đà Nẵng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Thành phố thông minh (TPTM) 2019 - Smart City Summit 2019 với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số”.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh 2019.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại hội nghị.Ảnh: KHANG NINH

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết việc triển khai xây dựng TPTM là xu hướng chung của thế giới, cũng là yêu cầu phát triển của Đà Nẵng. Định hướng đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ là một đô thị lớn, thành phố thông minh và sinh thái, là thành phố biển đáng sống đẳng cấp khu vực châu Á.

Để làm được điều này, Đà Nẵng đã ban hành khung kiến trúc và Đề án TPTM. Mục tiêu đến năm 2030, sẽ hoàn thành xây dựng TPTM kết nối và đồng bộ với mạng lưới TPTM trong nước và khu vực ASEAN. Bên cạnh việc kế thừa các cơ sở hạ tầng dữ liệu của hệ thống Chính phủ điện tử, Đà Nẵng tiếp tục triển khai nhiều ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, an toàn an ninh... Theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Đà Nẵng đã vạch ra mục tiêu, lộ trình, các công nghệ áp dụng cùng 53 chương trình, dự án trọng điểm với kinh phí 2.200 tỷ đồng để triển khai xây dựng TPTM.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đề nghị, trong quá trình triển khai TPTM, các tỉnh, thành phố cần lưu ý 6 điểm: sự quản lý và điều hành tập trung; dùng chung cơ sở hạ tầng; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và mở; gắn kết TPTM với chính quyền điện tử; xây dựng TPTM phải lấy người dân làm trung tâm; quan tâm đến vai trò đầu mối, quản lý, giám sát của các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương. Thứ trưởng Phan Tâm cam kết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng hành với các tỉnh, thành phố để nghiên cứu và triển khai các giải pháp hiệu quả nhất trong phát triển TPTM và bền vững.

* Tại phiên tọa đàm của các lãnh đạo (Leader’s Talk) trong khuôn khổ hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chia sẻ, điều Đà Nẵng trăn trở nhất trong quá trình xây dựng TPTM chính là việc lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên và tìm cách triển khai các nhiệm vụ cho phù hợp. Năm 2018, Đà Nẵng ban hành Khung kiến trúc TPTM, đây được xem là tài liệu “xương sống”, giúp thành phố xác định mục tiêu, lộ trình, kinh phí cho các nhiệm vụ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, 3 bài học quan trọng mà Đà Nẵng đã rút ra là: đặt mục tiêu cho mỗi thời kỳ và luôn kiểm tra xem thành phố đang đứng ở đâu, đã đạt mục tiêu chưa; tạo dựng sự đồng thuận từ lãnh đạo đến doanh nghiệp, người dân; có cơ chế, chính sách cho hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng điều kiện tiên quyết để xây dựng TPTM là một hạ tầng dữ liệu đầy đủ, chính xác, được cập nhật theo thời gian thực. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Nguyễn Quang Thanh cho biết, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là thu thập dữ liệu một cách chính xác, an toàn. Nhà nước phải tạo ra hạ tầng, chính sách và ứng dụng...  để có thể cung cấp dữ liệu như một loại dịch vụ, giúp người dân và doanh nghiệp đưa ra quyết định. Hiện Đà Nẵng có trên dưới 80 kho dữ liệu khác nhau, từ y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến giao thông, đất đai… Đặc biệt, phương châm của Đà Nẵng trong xây dựng TPTM là đa đối tác, trong đó vai trò của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Thành phố đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn có uy tín như VNPT, FPT, Viettel, VietinBank, SeaBank, Công ty BRG; đẩy mạnh tiếp cận công nghệ, tư vấn từ các chuyên gia; giải pháp của các doanh nghiệp và địa phương.

Trong các phiên tọa đàm thuộc khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng TPTM. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định cho biết tỉnh này đã thành lập Trung tâm điều hành dịch vụ TPTM nhằm kết nối các sở, ban, ngành, tích hợp các dịch vụ công. Ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) cho rằng, trong việc xây dựng TPTM, cần đặt người dân lên ưu tiên hàng đầu chứ không phải công nghệ. Ông Wong lưu ý, khi triển khai bất kỳ công nghệ nào, chính quyền cũng phải bảo đảm người dân có cơ hội hiểu rõ, nắm được kế hoạch triển khai. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn dữ liệu. Các TPTM cũng cần có sự tham gia tích cực của khu vực tư. Ông Wong cho rằng, nếu như vai trò của Nhà nước là tạo ra các chính sách hợp lý, thì vai trò của khu vực tư là tạo ra công ăn việc làm, giúp nền kinh tế phát triển.

* Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Thành phố thông minh (TPTM) 2019 - Smart City Summit 2019 tại Đà Nẵng, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA) tổ chức lễ vinh danh và trao chứng nhận cho “50+10 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2019”. Chương trình nhằm giới thiệu các doanh nghiệp CNTT tiêu biểu, kết nối hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế.
Trong số các doanh nghiệp được vinh danh, có 50 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gia công phần mềm và dịch vụ, cung cấp sản phẩm và giải pháp phần mềm, cung cấp giải pháp và ứng dụng di động. Ngoài ra, còn có 10 doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn...).

Đây là các doanh nghiệp nhận thức rõ việc ứng dụng và phát triển các ứng dụng chuyển đổi số để gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí và thời gian, tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã thành lập các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo...

Theo thống kê của VINASA, 50+10 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2019 có tổng doanh thu năm 2018 đạt hơn 693.000 tỷ đồng, tương đương 30,6 tỷ USD, chiếm 31% doanh thu toàn ngành CNTT Việt Nam. Tổng số nhân lực của các doanh nghiệp này là hơn 184.000 người, chiếm xấp xỉ 20% tổng số nhân lực toàn ngành CNTT Việt Nam.

KHANG NINH

 

;
;
.
.
.
.
.