Cần tính toán lộ trình thích hợp về tăng giờ làm thêm

.

Thời gian qua, vấn đề tăng giờ làm thêm của người lao động lên 400 giờ/năm được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất tại dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 được đông đảo người lao động quan tâm. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng đang thảo luận sôi nổi về vấn đề này. Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp về nội dung này.

Việc tăng/giảm giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh của mỗi một quốc gia. (Ảnh chụp tại Công ty Thép Việt Mỹ)
Việc tăng/giảm giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh của mỗi một quốc gia. (Ảnh chụp tại Công ty Thép Việt Mỹ)

Ông Mai Văn Quang, Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ logistics Việt Nam tại khu vực miền Trung: Nên tăng giờ làm

Xét trong tổng thể cạnh tranh chung toàn khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia khác thì vài năm trở lại đây, mức lương tối thiểu của người lao động nước ta tăng nhanh nên tổng chi phí cho người lao động Việt Nam hiện gần bằng Thái Lan, từ đó để thấy rằng, Việt Nam trước kia thu hút đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế cạnh tranh là nhân công giá rẻ, lao động chăm chỉ nhưng hiện nay điều này không còn là lợi thế của nước ta nữa.

Hiện nay, sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động ở nước ta với các nước trong khu vực là rất lớn. Trong khi đó, nước ta hội nhập ngày càng sâu, cơ hội mở rộng thị trường ngày càng lớn nhưng thực tế là người lao động luôn trong tâm thế sẵn sàng nghỉ việc, nhảy việc. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ khó tuyển được nguồn lao động nhằm bảo đảm tiến độ đơn hàng.

Ở góc độ doanh nghiệp, tôi cho rằng nếu thay đổi thì nên tăng giờ làm, nếu không hãy giữ nguyên vì nếu giảm giờ làm trong tuần thì doanh nghiệp rất khó tuyển được nhân công thay thế để làm bù những đơn hàng đã được ký kết. Giảm giờ làm trong khi năng suất lao động không tăng lên sẽ hết sức nguy hiểm đối với doanh nghiệp, đồng thời đánh mất lợi thế cạnh tranh của nước ta, khiến các đối tác sẽ  dịch chuyển sản xuất sang nước khác.

Ông Hà Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng: Tăng cường vai trò giám sát của tổ chức Công đoàn

Hiện nay theo quy định của Bộ luật Lao động nước ta, người lao động chỉ được tăng 200 giờ/năm, một số ngành cho phép tăng lên 300 giờ/năm. Trừ các ngày nghỉ lễ, Tết và chủ nhật thì số ngày làm việc của người lao động là 300 ngày/năm, nếu tăng số giờ làm thêm lên 300 hoặc 400 giờ/năm thì tính bình quân mỗi người lao động chỉ tăng trung bình 40-60 phút/ngày. So với các quốc gia trong khu vực thì số giờ làm thêm của người lao động nước ta còn khá khiêm tốn. Theo khảo sát, thời gian tăng ca của lao động tại nhiều nước trong khối ASEAN khá cao như Thái Lan là 1.836 giờ/năm, Malaysia 1.248 giờ/năm, Philippines 1.224 giờ/năm, Indonesia 714 giờ/năm hay Trung Quốc là 432 giờ/năm, Banglades là 408 giờ/năm… Trong khi đó, năng suất lao động tại các nước trên cũng hơn Việt Nam rất nhiều.

Nếu chúng ta cứ giữ mức thời gian lao động như cũ hoặc thậm chí giảm xuống thì e rằng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng, thị trường Việt Nam nói chung sẽ yếu đi, các nhà đầu tư sẽ tìm nơi khác là tất yếu. Thực tế, không ít người lao động có tâm lý muốn tăng giờ làm thêm để nâng cao thu nhập, lo cho gia đình được tốt hơn vì năng suất lao động tại doanh nghiệp nước ta hiện nay đã có cải thiện nhưng chưa đáng kể. Theo tôi, việc đề xuất tăng giờ làm thêm lên từ 300-400 giờ/năm là hợp lý, hơn nữa việc này nên để doanh nghiệp thỏa thuận cùng với người lao động và có sự giám sát của Công đoàn sẽ bảo đảm mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người lao động về sức khỏe, thu nhập, chế độ bảo hiểm...

Ông Trần Minh Dõng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Viettronimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng: Cần tích cực làm việc hơn nữa

Qua nghiên cứu tôi thấy rằng dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang yêu cầu tính lương làm thêm giờ theo lũy tiến, trong khi giờ làm việc lại dự kiến giảm xuống khiến chi phí cho tiền lương, tiền công lao động càng tăng cao, gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam và càng khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp sụt giảm nhiều so với các nước khác.

Còn các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lo ngại về chi phí lao động của Việt Nam ngày càng tăng cao sau khi quy định về giảm giờ làm việc được ban hành, nhất là trong bối cảnh các mức đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam đang đứng ở mức cao trong khu vực và lương tối thiểu vùng ở Việt Nam tăng đều qua các năm. Tôi cho rằng, không nên giảm giờ làm thêm, nếu thay đổi thì phải tăng nhưng cần có lộ trình thích hợp. Đất nước ta còn khó khăn, doanh nghiệp chủ yếu nhỏ và vừa nên mỗi người phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới không rơi vào tụt hậu.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH

;
;
.
.
.
.
.