Rà soát quỹ đất trong các khu công nghiệp

.

Sau thời gian tiến hành rà soát và đánh giá lại hiện trạng quỹ đất tại các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, lãnh đạo thành phố yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp thu hồi, sử dụng hợp lý quỹ đất hiện có cũng như đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu, cụm công nghiệp mới.

Cần rà soát, quản lý chặt chẽ và phân bổ hợp lý việc sử dụng đất trong các khu, cụm công nghiệp khi quỹ đất thành phố không còn nhiều.  Trong ảnh: Thi công khu nhà xưởng của dự án trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. (Ảnh mang tính minh họa)Ảnh: KHÁNH HÒA
Cần rà soát, quản lý chặt chẽ và phân bổ hợp lý việc sử dụng đất trong các khu, cụm công nghiệp khi quỹ đất thành phố không còn nhiều. Trong ảnh: Thi công khu nhà xưởng của dự án trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. (Ảnh mang tính minh họa)

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN) thành phố, trong tổng diện tích đất quy hoạch ở 6 KCN hiện hữu đang hoạt động là 1.066,52ha (gồm KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm giai đoạn 1, KCN Đà Nẵng, KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, KCN Liên Chiểu), có 259,37ha diện tích là phần xây dựng hạ tầng phục vụ giao thông, công cộng; phần diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê lại đất theo quy hoạch là 807,15ha.

Đối với 807,15ha diện tích đất công nghiệp cho thuê, đến nay diện tích đất đã cho thuê là 697,75ha. Tỷ lệ lấp đầy ở các KCN Đà Nẵng, KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng bình quân đạt 86%; riêng KCN Hòa Khánh đã lấp đầy 100%, không còn đất trống. Trong số diện tích còn lại chưa cho thuê gồm 109,4ha, có 43,73ha vướng hạ tầng chưa giải tỏa như KCN Liên Chiểu còn lại 30,28ha/85,8ha đất chưa có hạ tầng; KCN Hòa Cầm (giai đoạn 1) còn lại 13,43ha đất chưa cho thuê. Tại KCN Hòa Khánh mở rộng, phần diện tích còn lại là 10,17ha  hiện đã có đầy đủ hạ tầng có thể thu hút đầu tư.  

Khu Công nghệ cao Đà Nẵng được quy hoạch với diện tích 1.128,4ha, đến nay đã cơ bản hoàn thành 85% hạ tầng của giai đoạn 1 của dự án (406ha) và 65% hạ tầng của giai đoạn 2 (217ha) từ nguồn vốn ngân sách. Giai đoạn 3 của dự án (506ha) chủ yếu để bố trí xây dựng các khối nhà ở chuyên gia và nhà ở công nhân (không bố trí đất sản xuất). Diện tích đất sản xuất có thể cho thuê theo quy hoạch đến nay là 338,19ha. Diện tích đất sản xuất đã cho thuê 85,1ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 25,69%.

Trên địa bàn thành phố có 1 cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng đang hoạt động với tổng diện tích 29,6ha, hiện đã lấp đầy 100% với 15 doanh nghiệp đang hoạt động. Đối với  Dự án Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (Khu CNTT) quy hoạch 341,5ha, đến tháng 5-2019 đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và san lấp, đầu tư hạ tầng giao thông, thoát nước... của giai đoạn 1 với diện tích 131,09ha, hiện đang đưa vào khai thác.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, nhiều năm nay, nhu cầu về mặt bằng của doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên thực tế hiện nay quỹ đất “sạch” có thể bố trí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư không còn nhiều do 2 nguyên nhân.

Trước hết, do quỹ đất của thành phố không còn nhiều, trong khi đó ở hầu hết các KCN, diện tích đất còn lại có thể cho thuê vừa hạn chế lại vướng đền bù giải tỏa, chưa hoàn thiện hạ tầng. Các khu, cụm công nghiệp mới phải vài năm nữa mới hoàn thiện để có đất bố trí. Một tín hiệu đáng mừng là đến năm 2020, Cụm công nghiệp Cẩm Lệ sẽ đưa vào hoạt động, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thuê đất, mặt bằng để sản xuất.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như kể trên, trong báo cáo đánh giá công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, quản lý quỹ đất các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố của đoàn giám sát thuộc HĐND thành phố (theo Quyết định số 62/QĐ-HĐND ngày 29 tháng 1 năm 2019) đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế như việc quản lý quy hoạch các KCN không nhất quán, chưa nghiêm; việc điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất KCN không hợp lý làm giảm đáng kể diện tích so với quy hoạch ban đầu như KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu; công tác đầu tư hạ tầng một số KCN kéo dài nhiều năm, không bảo đảm đúng tiến độ theo quy hoạch do vướng đền bù giải tỏa; quản lý bố trí cho thuê đất tại từng KCN chưa tốt, dẫn đến hiện tượng chia lô bán nền không đúng quy hoạch; quỹ đất còn trống sẵn sàng cho thuê hiện không nhiều, lại bị chia cắt, phân tán manh mún; một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi về miễn giảm thuế để dành phần, chuyển nhượng, thuê lại kiếm lợi; nhiều diện tích đất chậm triển khai, không được đưa vào sản xuất. Nhiều đơn vị cho thuê lại đất hoặc nhà xưởng trên đất không đúng mục đích, ngành nghề quy định tại KCN.

Qua giám sát, tính đến nay có 37 doanh nghiệp cho thuê nhà xưởng, trong đó có 6 doanh nghiệp cho thuê nhà xưởng không phép. Hiện có 16 đơn vị doanh nghiệp chậm đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích 52,39ha.

Để sử dụng hợp lý và phát huy được nguồn lực đất đai trong Khu Công nghệ cao và các KCN, báo cáo giám sát của HĐND thành phố đề nghị, trong thời gian tới, cần quyết liệt thực hiện rà soát, tích hợp quy hoạch các KCN, cụm công nghiệp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ưu tiên dành quỹ đất để phát triển thương mại, dịch vụ; hạn chế thấp nhất việc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở theo kiểu phân lô bán nền. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục để đầu tư xây dựng các KCN mới theo quy hoạch; lựa chọn, kêu gọi nhà đầu tư có năng lực, uy tín, kinh nghiệm để thực hiện đầu tư hạ tầng, khai thác và quản lý các KCN mới hiệu quả.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị liên quan sử dụng hợp lý quỹ đất hiện có cũng như đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu, cụm công nghiệp mới. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất ô-tô Nissan của Công ty TNHH TCIE Việt Nam tại Đà Nẵng.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị liên quan sử dụng hợp lý quỹ đất hiện có cũng như đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu, cụm công nghiệp mới. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất ô-tô Nissan của Công ty TNHH TCIE Việt Nam tại Đà Nẵng.

Ông Phạm Trường Sơn, Phó ban phụ trách Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã đề xuất UBND thành phố, đối với các dự án không có khả năng tiếp tục thực hiện thì thu hồi dự án. Với dự án ngừng hoạt động nhưng tài sản đã thế chấp ngân hàng, đề nghị chủ đầu tư tuyên bố phá sản hoặc chủ nợ khởi kiện ra tòa án.

Sau khi có phán quyết của tòa, đơn vị sẽ thu hồi dự án theo đúng quy định pháp luật; đối với dự án ngừng hoạt động, yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt dự án, thanh lý tài sản trên đất theo đúng quy định; tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư triển khai đúng tiến độ với các dự án đang hoặc chưa xây dựng, chưa hoàn tất thủ tục đầu tư. Đồng thời, Ban Quản lý đề nghị UBND thống nhất chủ trương thu hồi 2 dự án chưa xây dựng, chậm tiến độ (Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quân Đạt 9.750m2; Công ty TNHH Thuận Phước 5.000m2) tại KCN Hòa Khánh; thu hồi một phần diện tích đất đối với Công ty CP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng tại KCN Hòa Khánh có diện tích đất sử dụng lớn, nhưng không khai khác sử dụng hiệu quả (75.272,2m2).

Đặc biệt, trong thời gian chờ triển khai đầu tư các KCN mới, cụm công nghiệp mới, đối với nhu cầu thuê mặt bằng nhà xưởng với diện tích nhỏ từ 500 - 1.000m2 của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Ban quản lý đề xuất giải pháp cho thuê lại phần diện tích đất dư thừa không sử dụng của một số doanh nghiệp sắp xếp lại sản xuất, giảm quy mô đầu tư trong các KCN.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.