Kinh tế

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn

14:47, 15/07/2019 (GMT+7)

Chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) hiện đang được Nhà nước và các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện, đặc biệt là phương thức thanh toán qua điện thoại di động trong bối cảnh dịch vụ ngân hàng còn thưa thớt ở khu vực nông thôn.

Các ứng dụng ngân hàng trên di động hay ví điện tử là công cụ hữu ích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn.
Các ứng dụng ngân hàng trên di động hay ví điện tử là công cụ hữu ích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn.

Sống tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), nhà chị Nguyễn Thị Thúy cách điểm giao dịch ngân hàng gần nhất tới 20km nên để thực hiện các giao dịch ngân hàng, chị thấy khá vất vả mỗi khi thanh toán tiền hàng với khách ở xa. Tuy nhiên, từ khi sử dụng ứng dụng ngân hàng qua di động (Internet banking) hoặc ví điện tử, việc chuyển tiền, nạp hay rút tiền của chị đều dễ dàng. Tất cả thao tác với khách hàng chỉ cần qua chiếc điện thoại có kết nối Internet là hoàn tất.

Câu chuyện của chị Thúy cho thấy, các phương thức thanh toán hiện đại đang dần đi sâu vào cuộc sống, lan tỏa tới tận vùng sâu, vùng xa, góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân.

Hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), có mối liên quan chặt chẽ tới khu vực nông nghiệp, nông thôn, do đó ngân hàng đã và đang tập trung xây dựng nền tảng quan trọng để phát triển dịch vụ TTKDTM. Hiện Agribank có khoảng 50 dịch vụ tiện ích phục vụ khách hàng trên thẻ, điện thoại di động, Internet.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng đã đưa ra một số giải pháp như: xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách thuận lợi, cho phép lĩnh vực phi ngân hàng tham gia vào việc cung ứng dịch vụ thanh toán hiện đại, phù hợp với địa bàn nông thôn; ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu công nghệ; hoàn thiện quy trình xử lý giao dịch của ngân hàng theo hướng số hóa, tự động hóa, an toàn và thuận tiện.

Mặc dù vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy TTKDTM tại vùng nông thôn Đà Nẵng còn ít. Theo ghi nhận, tại Hòa Vang chỉ có 1 chi nhánh (xã Hòa Phong) và 2 phòng giao dịch (xã Hòa Sơn, Hòa Phước) của Agribank và 1 cây ATM tại Khu du lịch Bà Nà Hills. Hệ thống chấp nhận thanh toán thẻ (POS) ở khu vực Hòa Vang chỉ có 3 POS của 3 doanh nghiệp (2 POS ở xã Hòa Ninh và 1 POS ở xã Hòa Sơn) không thuận tiện cho chủ thẻ sử dụng hằng ngày. Chính vì vậy, việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống vẫn còn thấp.

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng đánh giá, mặc dù đạt được nhiều bước tiến đáng kể, nhưng việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt vẫn phải cần thời gian để thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân ở khu vực nông thôn. Bởi lẽ tâm lý người dân e ngại khi tiếp nhận công nghệ và phương thức thanh toán mới; tính an ninh, bảo mật..., nhất là đối với những người lớn tuổi. Hiện chưa có khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ đại lý ngân hàng tại vùng sâu, vùng xa khiến khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân còn thấp.

Theo ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân thấy được tiện ích của giao dịch ngân hàng qua các thiết bị di động. Ngoài ra, giá trị của các khoản giao dịch, thanh toán thông thường là rất thấp nên cần phải nghiên cứu những công cụ và phương thức TTKDTM phù hợp với đặc điểm này. Có như vậy mới khiến cho người dân xóa đi thói quen và tập quán thanh toán chi tiêu bằng tiền mặt.

Để hướng tới TTKDTM, nhiều chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng cho rằng, cần thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm công nghệ phục vụ tài chính toàn diện thông qua các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tài chính ngân hàng (còn gọi là Startup Fintech).

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng cho biết, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính như: ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi tài chính và Fintech sẽ là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tài chính toàn diện. Số lượng doanh nghiệp Fintech tăng trưởng mạnh thời gian gần đây nhờ tỷ lệ phổ biến của internet, điện thoại thông minh và sự phát triển của thương mại điện tử...

Trong xu thế đó, Đà Nẵng chắc chắn có thể thành trung tâm của công nghệ Fintech. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho công nghệ bảo mật, nâng cao tính an toàn trong các giao dịch điện tử cũng là yêu cầu tất yếu, để giúp khách hàng yên tâm thanh toán trực tuyến. Các điểm bán hàng ở nông thôn cần tiến tới dán QR Code lên hàng hóa dịch vụ để thanh toán bằng điện thoại di động, thay vì có tài khoản ngân hàng chỉ để rút tiền mặt như hiện nay.

Tháng 4 vừa qua, Đà Nẵng ký hợp đồng triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công thông qua ví điện tử, đánh dấu là địa phương đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về đẩy mạnh thanh toán điện tử của Chính phủ; đồng thời đưa thanh toán điện tử thành một phần quan trọng của hệ sinh thái thành phố thông minh, tiến tới xây dựng thành công mô hình Thành phố Đổi mới - Sáng tạo cho toàn quốc.

Bài và ảnh: MAI QUẾ

.