Cần đột phá để tạo động lực mới cho khởi nghiệp

.

Nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng được đánh giá cao nhờ tính thiết thực, hiệu quả. Song, các nguồn lực liên quan đến khởi nghiệp (đơn vị ươm tạo, trường học, quỹ đầu tư...) ở thành phố vẫn còn rời rạc. Đà Nẵng cần có những đột phá trong việc kết nối các nguồn lực này, tạo động lực mới cho khởi nghiệp.

Cộng đồng khởi nghiệp mong muốn thành phố “đặt hàng” các bài toán để giải quyết. (Ảnh: Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn).
Cộng đồng khởi nghiệp mong muốn thành phố “đặt hàng” các bài toán để giải quyết. (Ảnh: Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn).

Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp Sông Hàn: Chính quyền nên xem các vườn ươm khởi nghiệp là các đối tác

Đà Nẵng đang có nhiều chuyển biến tích cực trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Có thể thấy, Hội đồng Điều phối Mạng lưới Khởi nghiệp ngày càng phát huy năng lực kết nối, sẵn sàng hỗ trợ thông tin, khuyến khích tinh thần cho các dự án. Một số đơn vị liên quan đến khởi nghiệp như Sở Khoa học và Công nghệ đã có sự phân công lãnh đạo, chuyên viên chuyên trách khởi nghiệp rõ ràng, giúp công tác kết nối giữa doanh nghiệp với chính quyền thuận lợi hơn nhiều.

Theo tôi, khởi nghiệp Đà Nẵng trong những năm gần đây đã tạo ra sự lan tỏa tích cực. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn 3 cái thiếu gồm: mạng lưới nhà đầu tư và cố vấn; sự kết nối giữa Đà Nẵng và các địa phương; các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho dự án khởi nghiệp. Ví dụ như tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, chính quyền tạo điều kiện để các dự án mới được sử dụng miễn phí không gian làm việc chung trong năm đầu tiên.

Trong khi đó tại Đà Nẵng, giá chỗ ngồi ở những không gian này vẫn còn hơi đắt đỏ đối với các bạn trẻ. Kinh nghiệm của nhiều nơi cho thấy, chính quyền không nhất thiết phải hỗ trợ trực tiếp đến từng dự án, mà làm điều này thông qua các đơn vị ươm tạo vốn sâu sát hơn với khởi nghiệp. Muốn làm được điều đó, Đà Nẵng cần coi các vườn ươm là những đối tác, chứ không phải đơn thuần là những đối tượng quản lý như hiện nay.

Tôi cho rằng, thành phố nên tập trung vào 2 giải pháp để phát triển khởi nghiệp. Thứ nhất, tăng cường “đặt hàng” cho các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp. Trong quá trình phát triển, thành phố luôn phải đối mặt với nhiều “bài toán” về môi trường, du lịch, giao thông… Tại sao không giao các “bài toán” này cho cộng đồng khởi nghiệp? Họ có thể sẽ tìm ra những giải pháp đơn giản mà hiệu quả, ít tốn kém.

Thứ hai, nên có một đề án đổi mới công nghệ thực chất. Hiện nay. nhiều đơn vị tại Đà Nẵng đang có những công nghệ tiên tiến, song rất rời rạc. Chỉ có chính sách tốt và sự quyết tâm của lãnh đạo mới giúp liên kết được những đơn vị này.

Trần Hạnh Trang, Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Enouvo IT Solutions: Nên có ngân sách và chính sách giúp startup địa phương đi ra thế giới

Ở những nước phát triển, Chính phủ thường có nguồn ngân sách tương đối tốt để hỗ trợ các startup. Các chính sách và các vườn ươm doanh nghiệp cũng được đầu tư khá tốt. Đặc biệt, việc liên kết sẽ giúp các vườn ươm này phát triển mạnh mẽ hơn. Hiện tại ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, các vườn ươm phát triển còn hơi rời rạc, chưa có sự kết nối mạnh mẽ để hỗ trợ nhau.

Theo tôi, chúng ta nên dành khoản ngân sách cũng như xây dựng các chính sách chính sách hỗ trợ để giúp đưa các startup địa phương ra với thế giới, trước mắt là các nước Đông Nam Á. Tôi từng đi dự Hội nghị RISE (sự kiện công nghệ và khởi nghiệp thường niên lớn nhất châu Á - PV) ở Hồng Kông (Trung Quốc) thì thấy, các startup Thái Lan, Indonesia hay Malaysia không bao giờ đi một mình mà đều được tập hợp lại và cùng nhau đi dự hội nghị với sự hỗ trợ của các tổ chức Chính phủ. Họ lập thành nhóm và tạo ra các khu trình bày ý tưởng của mình ngay tại hội nghị.

Còn đa phần startup Việt Nam thì chỉ vài người “dám” đi và đi theo diện cá nhân. Vì chi phí đi các hội nghị như vậy cũng tương đối cao nên nếu không có sự hỗ trợ về chính sách hay ngân sách thì cũng khó. Bù lại, đi dự hội nghị sẽ đem lại những “phần thưởng” lớn như: sự va chạm ở những cuộc thi thuyết trình, cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư tiềm năng ở nước ngoài, khả năng học hỏi từ các startup quốc tế.

Thời gian qua, chính quyền thành phố đã có những chính sách để khởi động phong trào khởi nghiệp, nhưng nếu có thể hỗ trợ nhiều hơn theo hướng tìm kiếm những đối tác ở nước ngoài đến hướng dẫn, huấn luyện cũng như tăng thêm ngân sách hỗ trợ cho từng startup thì chắc phong trào khởi nghiệp sẽ được đẩy lên mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Ông Bùi Ngọc Vinh, Đồng sáng lập Không gian làm việc chung IoT Đà Nẵng: Cần thêm nhiều không gian cho khởi nghiệp

Thời gian qua, Đà Nẵng làm rất tốt việc hỗ trợ cho các startup qua các chính sách ươm tạo, các hoạt động huấn luyện, kết nối... Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhu cầu của cộng đồng khởi nghiệp tại Đà Nẵng về không gian làm việc với mức chi phí thấp vẫn rất lớn và chưa được đáp ứng đủ. Việc truyền thông quảng bá các sản phẩm, dịch vụ vẫn đang là bài toán ngân sách mà bất cứ nhóm dự án hay công ty khởi nghiệp nào cũng gặp phải.

Ngoài ra, có thể nhận thấy các startup tại Đà Nẵng không thiếu những ý tưởng, sản phẩm tốt, sáng tạo. Thế nhưng, hoạt động còn rời rạc, chưa có sự liên kết và phối hợp giữa các sản phẩm với nhau để tạo ra một hệ sinh thái thực sự đủ mạnh để tận dụng những thế mạnh và tạo ra những giá trị bền vững.

Chính quyền thành phố cần có thêm những chính sách hỗ trợ về không gian khởi nghiệp, tạo điều kiện và hỗ trợ cho các mô hình không gian làm việc chung, sinh hoạt chung... hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, thành phố nhân rộng mô hình ươm tạo và tận dụng chính nguồn lực từ các không gian khởi nghiệp để nhằm tạo ra văn hóa làm việc, khởi nghiệp sáng tạo ở cộng đồng tri thức trẻ, lao động trẻ.

Ngoài ra, các yếu tố về hạ tầng Internet ổn định, nhân lực ngành công nghệ thông tin là những yếu tố đáng quan tâm.

PHONG LAN thực hiện

;
;
.
.
.
.
.