Tăng cường ngăn chặn dịch tả heo xâm nhiễm

.

Dịch tả heo châu Phi được phát hiện tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) trong tuần qua và phát sinh thêm 3 ổ dịch tả heo châu Phi tại tỉnh Thừa Thiên Huế ngay sau khi công bố hết dịch làm nhiều người chăn nuôi heo tại Đà Nẵng và Quảng Nam lo lắng. Trong khi đó, các lực lượng chức năng tăng cường chốt chặn, kiểm dịch để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào thành phố Đà Nẵng.

Ông Cao Xuân Thái, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam đã lấy 12 mẫu các đàn heo bị ốm tại xã Duy Hải và Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) mang đi xét nghiệm và phát hiện 3/12 mẫu dương tính với virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi. Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh đã phối hợp tiêu hủy 20 con heo có dấu hiệu mắc bệnh dịch tả heo châu Phi của 6 hộ dân trên địa bàn xã Duy Hải và Duy Nghĩa.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với UBND huyện Duy Xuyên thành lập 4 tổ chốt chặn các tuyến đường giao thông chính ở xã Duy Hải và Duy Nghĩa; tổ chức phun hóa chất khử trùng tiêu độc ở những thôn có heo mắc dịch.

UBND huyện chỉ đạo, khi phát hiện heo có dấu hiệu lâm sàng của dịch sẽ tiến hành tiêu hủy ngay, không chờ lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời yêu cầu các hộ giết mổ heo phải có dấu kiểm dịch trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ; nghiêm cấm không cho vận chuyển heo từ vùng có dịch ra bên ngoài và từ bên ngoài vào vùng dịch.

Ông Cao Xuân Thái cũng thông tin, nguyên nhân xảy ra dịch tả heo châu Phi tại huyện Duy Xuyên không phải xuất phát từ tuyến vận chuyển heo hơi ở Quốc lộ 1A mà có thể là có người mang theo sản phẩm thịt heo có mầm bệnh từ miền Bắc vào để sử dụng và được hộ chăn nuôi heo lấy thức ăn thừa về cho heo ăn mà không nấu chín kỹ. Từ đây, dịch tả heo châu Phi lan qua các đàn heo bên cạnh…

Trước đó, dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại tỉnh Quảng Trị là do một người dân vào nấu ăn đám cưới ở vùng có dịch tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế rồi mang thức ăn thừa ra Quảng Trị cho heo ăn mà không nấu chín kỹ, làm lây lan dịch tả heo châu Phi.

Ông Cao Xuân Thái cho biết: do Đà Nẵng chưa bị dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm nên chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam và đề nghị tăng cường chốt chặn, tuyệt đối không để heo từ vùng có dịch mang ra thành phố Đà Nẵng, nhất là các hộ chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ. Đồng thời, chúng tôi cũng làm việc với lực lượng cảnh sát giao thông và tăng cường thêm lực lượng Thú y tăng cường chốt chặn, kiểm tra, kiểm dịch heo tại các tuyến đường từ tỉnh Quảng Nam vào thành phố Đà Nẵng”.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cũng tăng cường phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên địa bàn thành phố, kiểm soát chặt chẽ heo nhập vào Đà Nẵng để tiêu thụ giết mổ; hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi heo thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và tiêu độc khử trùng định kỳ. Các trạm kiểm dịch động vật duy trì tăng cường kiểm soát, tiêu độc chặt chẽ phương tiện vận chuyển heo từ các tỉnh phía bắc qua trạm…

Đồng thời, kiến nghị Cục Thú y và các tỉnh tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển đối với heo vận chuyển, không để lây lan dịch bệnh từ địa phương này qua địa phương khác.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chống dịch tả lợn

Ngày 19-5, sau khi trực tiếp thị sát tình hình tại trại lợn ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội, huyện Đông Anh và các hộ chăn nuôi heo.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến nay, 34 tỉnh, thành phố bị thiệt hại với 5% tổng đàn; đồng thời lưu ý theo cảnh báo của FAO (Tổ chức Lương thực, Nông nghiệp Liên hợp quốc) về việc dịch tả heo châu Phi có thể kéo dài. Ở các nước lân cận, cũng bị thiệt hại rất lớn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương phòng chống dịch như chống giặc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch tả heo châu Phi; cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ sở, địa phương chưa bị dịch chủ động, tích cực hơn nữa, không đợi có dịch rồi mới chống. Nếu có dịch rồi thì cần ngăn chặn lây lan kịp thời theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ cho người dân một cách kịp thời, chặt chẽ, minh bạch; phải bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngành thú y giám sát, hỗ trợ các trại lợn sạch trong tiêu thụ thịt heo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý chính quyền và các ngành chức năng phải có biện pháp phát triển các loại sản phẩm khác để bảo đảm đời sống cho nông dân và giải quyết thực phẩm cho người dân, nhất là giai đoạn cuối năm như bò, gà, vịt, cá, tôm... Việc cân đối các loại thực phẩm cung ứng cho người dân rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp cũng như các địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm tình hình, không chủ quan, lơ là; rà soát các văn bản cần thiết để điều chỉnh, bổ sung, trình Chính phủ để việc giải quyết sát thực tế, khả thi hơn, bảo đảm chống dịch nhưng cũng tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt.

TTXVN

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.