Huy động nguồn lực đầu tư phát triển: Khai thông dòng vốn FDI

.

Hơn 10 năm qua, với việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thành phố đã huy động được nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, thành phố có 716 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,35 tỷ USD (gần gấp đôi so với số dự án đầu tư trong nước). Khu vực FDI đã góp phần quan trọng vào gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp -  nông nghiệp; đóng góp vào ngân sách; tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động…

Thu hút đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thu hút đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN

Dưới góc nhìn của đơn vị tham mưu cho thành phố trong lĩnh vực thu hút đầu tư, ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố cho biết, đến nay, Đà Nẵng đã thu hút các nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh với 716 dự án còn hiệu lực. Các ngành nghề thu hút đầu tư chiếm tỷ trọng chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản - du lịch. 5 quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất là Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, đảo British Virgin và Hàn Quốc.

Trong giai đoạn từ 2011-2018, đầu tư FDI đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố, thể hiện qua các mặt cụ thể như: về gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Tỷ lệ cơ cấu vốn FDI hiện nay ở các lĩnh vực: dịch vụ chiếm trên 56,4 - 43%; công nghiệp chiếm 13% và nông nghiệp là 0,45%.

Giai đoạn này, tổng thu ngân sách Nhà nước từ các thành phần kinh tế trên địa bàn ước đạt gần 55.000 tỷ đồng, trong đó khu vực FDI đóng góp hơn 21.000 tỷ đồng, chiếm gần 39,14%. Từ năm 2016 trở lại đây, nguồn thu ngân sách từ khu vực FDI tăng lên đáng kể, từ 41-44%; khu vực này cũng chiếm bình quân hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu của toàn thành phố giai đoạn 2011-2018.

Theo đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển đổi theo hướng giá trị gia tăng cao từ thủy sản, giày dép và hàng may mặc sang hàng công nghiệp điện tử. Các mặt hàng công nghệ cao đều do doanh nghiệp FDI xuất khẩu; giải quyết việc làm cho khoảng hơn 10.000 lao động; đồng thời, góp phần nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, quản lý, chuyên môn kỹ thuật. Năng suất lao động xã hội khu vực FDI cao hơn gấp 2 lần so với khu vực ngoài Nhà nước.

Ông Phạm Trường Sơn, Phó Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, lũy kế đến nay, Ban quản lý đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án với tổng vốn đầu tư 560 triệu USD. Trong đó có 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 256 triệu USD, 9 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 5.272 tỷ đồng; đã có 3 dự án  đi vào hoạt động, các dự án khác đang trong quá trình triển khai đầu tư. Đối với các khu công nghiệp, đã thu hút 462 dự án, trong đó có 120 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,1 tỷ USD.

Mặc dù khẳng định được ưu thế, tuy nhiên, ở một số lĩnh vực đầu tư FDI còn gặp hạn chế. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chỉ có 2 dự án trên 100 triệu USD, gần 90% dự án có vốn đăng ký dưới 2 triệu USD trong giai đoạn 2011-2018. Việc chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện của một số dự án còn chậm so với tiến độ cam kết, nhất là trong lĩnh vực bất động sản du lịch, dẫn đến tỷ lệ vốn thực hiện thấp, chỉ trên 50%; chưa có nhiều các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ mới đầu tư vào thành phố. Tác động liên kết và lan tỏa công nghệ của khu vực FDI đến khu vực doanh nghiệp trong nước chưa cao; tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn thấp; một số dự án FDI hoạt động kém hiệu quả, có sai phạm trong kê khai và nộp thuế, nợ lương và bảo hiểm xã hội.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh thu hút vốn FDI, thành phố xác định có 5 nhóm giải pháp thu hút FDI, gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; chuẩn bị thủ tục, xúc tiến các dự án trọng điểm; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư tại chỗ một cách hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn, kịp thời. Thị trường trọng điểm thu hút đầu tư nước ngoài bao gồm: các tập đoàn đa quốc gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…; các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc)…

Đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố.
Đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khó khăn nhất hiện nay là nguồn lực đất đai, đặc biệt là đất đai ven biển hầu hết đã được thành phố giao cho các nhà đầu tư. Do đó, trước tiên cần phải tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án theo tiến độ đã cam kết; phải lựa chọn ngành, nghề, nhà đầu tư bảo đảm đạt hiệu quả sử dụng đất cao nhất, phù hợp với định hướng phát triển bền vững. Công khai, minh bạch các dự án cần thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tìm hiểu cơ hội đầu tư…; hoàn chỉnh quy hoạch quỹ đất ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch để thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm, giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian đưa ra quyết định đầu tư.

Đối với những dự án đã được UBND thành phố thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư, các tổ chức tín dụng ban hành quyết định cho vay, thỏa thuận cho vay vốn, thành phố cần tập trung hỗ trợ cho các nhà đầu tư, nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết để triển khai xây dựng và đưa dự án đi vào hoạt động theo kế hoạch nhà đầu tư đã định. Thành phố đã ban hành và thực hiện đề án “Quản lý liên thông về thủ tục đầu tư” theo chủ trương của Thành ủy.

Đối với đề án này, các thông tin sẽ được công khai, minh bạch tất cả, nhà đầu tư chỉ cần liên hệ, làm việc với một cơ quan đầu mối (Sở Kế hoạch và Đầu tư) của thành phố. Với việc thực hiện một quy trình khép kín cùng với áp dụng phần mềm giám sát, theo dõi quá trình xử lý liên thông về đầu tư sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lãnh đạo các cấp; nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước về đầu tư.

 KHÁNH HÒA
 

;
;
.
.
.
.
.