Xứng đáng là trung tâm thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá lớn

.

Đến nay, dịch vụ hậu cần nghề cá tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã chuyển biến tích cực về năng suất, chất lượng, giá thành và tiện ích. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về sử dụng dịch vụ tại cảng cá, tránh trú bão và phát triển kinh tế-xã hội thành phố cũng như khu vực miền Trung, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đang được mở rộng, nâng cấp thành cảng cá động lực thuộc Trung tâm Nghề cá lớn tại Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa.

Cảng cá, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đang trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ hậu cần thủy sản lớn.
Cảng cá, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đang trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ hậu cần thủy sản lớn.

Trong quá trình phát triển, ngành thủy sản Đà Nẵng luôn chú trọng phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế cho phát triển nghề khai thác xa bờ và chế biến thủy sản.

Cùng với Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đã tạo thành khu dịch vụ hậu cần nghề cá khép kín với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần được đầu tư tập trung, đồng bộ, hợp lý…

Tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang có 10 xưởng nước đá lạnh công suất 20.000 cây/ngày, 4 trạm xăng dầu, 26 tàu cung ứng dầu, 10 xưởng sửa chữa và đóng tàu thuyền, 4 cửa hàng buôn bán và sửa chữa thiết bị hàng hải, 10 quầy buôn bán kim khí và ngư lưới cụ, 14 kho bảo quản lạnh…

Trung bình mỗi ngày có 3.000 - 5.000 lượt người, 50 - 55 lượt tàu thuyền, 350 lượt ô-tô và trên 1.000 lượt xe máy hoạt động với sản lượng hải sản qua cảng hơn 300 tấn/ngày, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động tại chỗ.

Số lượng tàu thuyền không chỉ của Đà Nẵng mà của cả nước cập bến tăng cao qua các năm. Hằng ngày, từ dưới bến, trên bờ, hàng ngàn người bán mua nườm nượp cả ngày lẫn đêm, các phương tiện vận chuyển tấp nập vào ra.

Cảng cá, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ hậu cần thủy sản lớn không chỉ của Đà Nẵng và khu vực miền Trung, mà còn của cả nước.

Ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết: “Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của âu thuyền, cảng cá và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang thường xuyên quá tải, không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, cần mở rộng quy mô để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, cần phải sớm triển khai dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo cảng cá Thọ Quang thành khu dịch vụ thủy sản khép kín với trang thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn cảng cá an toàn, sinh thái, đạt chuẩn khu vực và quốc tế”.

Từ năm 2017, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng đã kêu gọi đầu dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Dự án được chia thành 7 tiểu dự án gồm: nâng cấp cảng cá Thọ Quang hiện hữu với tổng mức kinh phí 350 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng cảng cá tổng hợp với tổng kinh phí 200 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng khu trú bão âu thuyền Thọ Quang (cả trong âu thuyền và ngoài cầu Mân Quang) với tổng kinh phí 80 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang về phía bắc với kinh phí 100 tỷ đồng; xây dựng cảng cá quốc tế (tại khu mặt nước phía bắc cầu Mân Quang) với kinh phí 600 tỷ đồng; cải tạo, nâng cao tĩnh không cầu Mân Quang để bảo đảm cho tàu cá có công suất 2.000CV ra vào thuận với kinh phí 400 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Đắc Đạt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (đơn vị điều hành dự án) cho hay, trong thời gian chờ đợi kêu gọi và triển khai đầu tư thành Trung tâm Nghề cá lớn tại Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá hiện trạng với diện tích sử dụng đất trên bờ là 1,5ha. Theo đó, ở khu mở rộng, chuyển đổi từ kè mái taluy nghiêng thành dạng kè đứng kết hợp tạo bến liền bờ cho tàu có công suất từ 600CV trở lên cập cảng với chiều dài bến là 150m, rộng 9,5m, diện tích mặt bằng cảng 3.696m2; xây dựng nhà bao che cầu tàu, xưởng nước đá và khu trữ đá, kho chứa dụng cụ sản xuất, trạm y tế, kho và cửa hàng lượng thực, ngư lưới cụ…

Ở khu nâng cấp, nối thêm 82m cầu tàu với cầu tàu hiện trạng và xây dựng tường cừ thép chắn sau bến kết hợp mặt bằng để tăng năng lực bốc dỡ cho các tàu cá có công suất trên 600CV; xây dựng nhà bao che cầu tàu, nhà lồng nối nhà phân loại với chợ cá và các công trình hạ tầng kỹ thuật… Công trình này sẽ được khởi công ngay vào tháng 4-2019.

Ngoài ra, thành phố cũng đầu tư công trình đê, kè Mân Quang, kinh phí xây lắp 136 tỷ đồng với tuyến kè bảo vệ có chiều dài 1.123m và một số hạng mục. Công trình này không những bảo vệ an toàn hạ tầng, kỹ thuật của tuyến đường Lê Văn Duyệt và khu đô thị Thuận Phước mà còn tạo ra một “âu thuyền” mới ở vịnh Mân Quang cho các tàu cá neo đậu, giảm tải cho âu thuyền Thọ Quang.

“Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành thi công tuyến kè bảo vệ và phần mũ ở trên kè”, ông Khương Minh Nghị, Giám đốc Công ty TNHH ĐTXD KCON Đà Nẵng (đơn vị thi công công trình) thông tin thêm.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16-8-2013, cả nước có 6 trung tâm nghề cá lớn, trong đó có Trung tâm Nghề cá lớn Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa.

Bài và ảnh: QUÝ NƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.