Sau hơn 10 năm, được sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương đối với lĩnh vực du lịch, ngành “công nghiệp không khói” của thành phố đã góp phần đưa Đà Nẵng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong nước lẫn quốc tế.
Việc mở rộng các đường bay là một trong những yếu tố quan trọng để khai thác những thị trường khách du lịch tiềm năng. |
Từ một thành phố biển nằm khiêm tốn trên “con đường di sản miền Trung” chỉ được du khách quốc tế chọn là điểm trung chuyển để đi đến cố đô Huế hay phố cổ Hội An, Đà Nẵng đã từng bước “lột xác” thành “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”, “Điểm đáng đến của năm”… và giữ chân du khách ở lại.
Đó là cả quá trình nỗ lực của thành phố trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ về hệ thống giao thông, bến cảng, sân bay đến các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí… Thành phố cũng tập trung thu hút những nhà đầu tư chiến lược, thường xuyên xây dựng các khu du lịch mới, sản phẩm mới, phát huy được thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng biển.
Dễ nhận thấy nhất là những cơ sở lưu trú 5 sao mang thương hiệu lớn của quốc tế đều đã có mặt ở Đà Nẵng như: Marriot, Sheraton, Hilton, Pullman, Intercontinental, Novotel…; các khu vui chơi giải trí, mua sắm liên tục được đầu tư, ra đời để phục vụ khách như: Bà Nà Hills, Công viên Suối khoáng nóng núi Thần Tài, Công viên châu Á…
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, những thành quả của ngành du lịch nói riêng, thành phố nói chung trong thời gian qua được minh chứng bằng một loạt ghi nhận do các tạp chí, tổ chức uy tín bình chọn. Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng trưởng khá tốt, trong đó, bình quân khách quốc tế hằng năm tăng khoảng 20%. Năm 2018, cả số lượng khách và doanh thu của ngành tiếp tục vượt mức kế hoạch, trong đó doanh thu của ngành tăng hơn 23,3% so với năm 2017.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Du lịch Omega (Omega tour) chia sẻ, những năm gần đây, du lịch Đà Nẵng thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng tăng trưởng rất ấn tượng. Trong vòng 4 năm lượng khách du lịch quốc tế đã tăng gấp đôi từ 1,26 triệu lượt vào năm 2014 lên 2,87 triệu lượt vào năm 2018.
“Có nhiều yếu tố đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách; trong đó có hai tiêu chí du khách thường đánh giá khi lựa chọn điểm đến đó là môi trường văn minh, chất lượng bảo đảm và sự tiện lợi của các đường bay. Những đường bay gần với thời gian bay phù hợp giúp Đà Nẵng thu hút lượng khách không nhỏ từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, còn có các đối tượng khách từ những thị trường mới thông qua đường bay Qatar - Đà Nẵng được khai trương dịp cuối năm 2018 như: Tây Âu, Bắc Mỹ…”, ông Ngọc Anh phân tích.
Một trong những thuận lợi khác của ngành du lịch Đà Nẵng được các đơn vị lữ hành nhắc đến chính là Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Trong vòng 10 năm (từ 2009 đến 2019), lượng khách đến thành phố qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tăng trưởng vượt bậc, từ hơn 2 triệu lượt khách năm 2009 lên 13,3 triệu khách năm 2018.
Hiện nay, Đà Nẵng có 34 đường bay quốc tế, trong đó có 16 đường bay thường kỳ và 18 đường bay thuê chuyến với tần suất 443 chuyến/tuần. Tổng số chuyến bay nội địa khai thác đến Đà Nẵng là 524 chuyến/tuần. Với lượng khách đến đông như hiện nay, đại diện một số đơn vị lữ hành nhìn nhận, các nhà ga cũng sắp quá tải; vì thế, thành phố nên sớm xây dựng thêm nhà ga mới để mở rộng các chuyến bay quốc tế, thuận lợi hơn cho du khách.
Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, thời gian đến, dự kiến sẽ có nhiều đường bay từ các thị trường Đông Nam Á kết nối với Đà Nẵng như: Hãng hàng không Sriwijaya Air - hãng hàng không lớn thứ 3 của Indonesia sẽ bay charter hằng ngày từ Jakarta - Đà Nẵng; Hãng hàng không Malindo Airways sẽ có đường bay Kuala Lumpur - Đà Nẵng (7 chuyến/1 tuần) hay có thêm các chuyến bay thuê chuyến từ thị trường Nhật đến Đà Nẵng.
Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, ông Trịnh Bằng Có cho rằng, nhìn về tổng thể của ngành du lịch từ tốc độ, chỉ số phát triển, cơ sở hạ tầng, số lượng nguồn nhân lực, hệ thống buồng phòng… trong những năm gần đây là bước nhảy vọt rất thần kỳ, nhanh chóng. Sự thay đổi này đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển theo.
Từ vài chục cơ sở lưu trú, tính đến hết quý 1-2019 Đà Nẵng đã có 793 cơ sở với 35.881 phòng, tăng 90 cơ sở với 6.712 phòng so với cùng kỳ năm 2018. Đà Nẵng cũng là điểm đến đang được du khách lựa chọn nhiều. Không chỉ có nhiều lợi thế cả về hạ tầng, môi trường an ninh du lịch bảo đảm… mà hiện nay còn bổ sung thêm các sản phẩm du lịch đánh trúng vào thị hiếu của khách…
Tuy nhiên, theo ông Ngô Quang Vinh, du lịch Đà Nẵng dù có nhiều thuận lợi và được du khách trong nước lẫn quốc tế đón nhận nhưng vẫn còn những thách thức đang đặt ra. Đó là bên cạnh phát triển về số lượng, cần quan tâm về chất lượng để tỷ lệ khách quay trở lại Đà Nẵng cao hơn; đồng thời cần bảo đảm môi trường du lịch và nguồn nhân lực chất lượng cao trước áp lực các cơ sở lưu trú ngày một tăng trưởng mạnh.
Để tăng chất lượng dịch vụ, ngành du lịch thành phố sẽ cơ cấu lại và chuyển sang nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Đặc biệt, ngành sẽ tiếp tục phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái, văn hóa để phát huy bản sắc văn hóa địa phương, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Theo tinh thần Nghị quyết 43/NQ-TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng giữ vai trò cực tăng trưởng, hạt nhân của cả vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết với các địa phương trong vùng. Thành phố đã đồng ý xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch, xác định ngưỡng phát triển du lịch trong thời kỳ mới để đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, giải quyết vấn đề áp lực về môi trường… nhằm xứng đáng là “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”.
Năm 2018, Đà Nẵng đón 7,66 triệu lượt khách, tăng 15,5% so với năm 2017, đạt 102,5% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,87 triệu lượt, tăng 23,3% so với năm 2017, đặt 106,5% kế hoạch, khách nội địa đạt 4,78 triệu lượt, tăng 11,2% so với năm 2017, đạt 100,3% kế hoạch. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2017, đạt 106,9% kế hoạch. |
Bài và ảnh: THU HÀ