Để du khách đến Đà Nẵng chi tiêu nhiều hơn

.

Lượng khách đến Đà Nẵng ngày càng đông, nhưng mức chi tiêu của du khách dành cho chuyến đi chưa cao. Các chi tiêu của khách chủ yếu dành cho các tiện ích cơ bản như: phương tiện đi lại, ăn uống, lưu trú… Do đó, bài toán đặt ra là cần phải làm gì để tăng mức chi tiêu của du khách khi đi du lịch.

Việc thu hút du khách đến những khu mua sắm lớn sẽ góp phần kích thích chi tiêu của du khách khi đến Đà Nẵng. Trong ảnh: Du khách quốc tế mua sắm tại một gian hàng lưu niệm.Ảnh: NHẬT HẠ
Việc thu hút du khách đến những khu mua sắm lớn sẽ góp phần kích thích chi tiêu của du khách khi đến Đà Nẵng. Trong ảnh: Du khách quốc tế mua sắm tại một gian hàng lưu niệm.

Mới đây, ngành du lịch thành phố đã tổ chức điều tra thông tin về hoạt động du lịch năm 2017 để tính toán, xác định các hệ số cần thiết về số lượng khách đến, về khoảng thời gian khách lưu trú qua đêm, khách đi trong ngày, khách tự sắp xếp chuyến đi và khách đi theo chương trình trọn gói (tour); các chi tiêu bình quân của khách tham quan trong ngày…

Theo đó, tổ dự án của Sở Du lịch đã thực hiện các nội dung liên quan theo tư vấn của chuyên gia PGS,TS Trần Thị Kim Thu (Khoa Thống kê, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), bằng cách khảo sát thông tin của 3.000 khách du lịch (trong đó có 1.000 khách quốc tế, 2.000 khách nội địa) và 100 doanh nghiệp lữ hành.

Kết quả cho thấy, khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng bình quân là 3,6 đêm, khách đi du lịch qua công ty lữ hành là 3,3 đêm và theo hình thức tự sắp xếp là 4,3 đêm. Khách Mỹ lưu trú với thời gian cao nhất (5,6 đêm), tiếp đến là khách Úc (4,3 đêm), khách Trung Quốc và quốc gia khác có thời gian lưu trú bằng nhau (3,7 đêm) và khách đến từ Malaysia có thời gian lưu trú thấp nhất (2,6 đêm). Thời gian lưu trú bình quân chung của một lượt khách nội địa là 3 ngày, khách đi theo tour là 2,4 ngày và khách tự sắp xếp là 3,2 ngày.

Tổng số tiền chi tiêu bình quân chung của 1 lượt khách quốc tế tại Đà Nẵng là trên 5,32 triệu đồng. Khách đi theo tour có mức chi tiêu bình quân 4,29 triệu đồng, cao hơn so với khách tự sắp xếp là 3,1 triệu đồng. 

Khách Mỹ có mức chi tiêu cao nhất (14,4 triệu đồng), tiếp đến là Singapore (8,94 triệu đồng), lần lượt đến Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Du khách đến từ Trung Quốc và Pháp có mức chi tiêu thấp nhất, lần lượt là 3,6 triệu đồng và 3 triệu đồng. Trong khi đó, tổng số chi tiêu bình quân chung của một lượt khách nội địa tại Đà Nẵng là 2,75 triệu đồng.

Báo cáo cũng chỉ ra, chi tiêu bình quân 1 lượt khách quốc tế chủ yếu cho dịch vụ thuê phòng, ăn uống và đi lại (72,3%), trong đó dịch vụ thuê phòng là cao nhất (33,4%) , các dịch vụ còn lại chiếm tỷ trọng khá thấp, thấp nhất là chi cho dịch vụ y tế (0,1%). Còn khách nội địa chủ yếu cho dịch vụ thuê phòng, ăn uống và đi lại (64,9%), tham quan (19,9%), các dịch vụ còn lại (15,2%).

Để kích thích chi tiêu, thành phố nên đầu tư thêm các sản phẩm du lịch mới độc đáo.  Trong ảnh: Du khách mua đồ lưu niệm tại chợ đêm Sơn Trà.
Để kích thích chi tiêu, thành phố nên đầu tư thêm các sản phẩm du lịch mới độc đáo. Trong ảnh: Du khách mua đồ lưu niệm tại chợ đêm Sơn Trà.

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, khách du lịch đến Đà Nẵng hiện nay chủ yếu mới chỉ chi tiêu cho các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ và đi lại, các dịch vụ khác thu được khá ít. Vì thế, muốn tăng chi tiêu của khách phải có nhiều dịch vụ hơn nữa như: ăn uống, mua sắm tại các trung tâm thương mại lớn, các khu vui chơi… Vấn đề là phải phát triển các dịch vụ của ngành này một cách đồng bộ thì mới có thể khiến khách rút ví chi tiền.

Một điều dễ nhận thấy là bên cạnh khách đến từ đường hàng không, đường bộ, những năm gần đây, lượng khách du lịch tàu biển đến Đà Nẵng rất đông, nhưng chi tiêu của khách cũng mới chỉ dừng ở khoảng 80 USD dành cho khách Trung Quốc và từ 100-150 USD dành cho khách mang quốc tịch châu Âu, Mỹ…

Ông Lý Đắc Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khang Huy Holiday Việt Nam cho rằng, thành phố cần kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng cơ quan quản lý Nhà nước thảo luận, mở rộng thêm các sản phẩm du lịch về đêm; từ đó mới có thêm nhiều sản phẩm du lịch níu giữ khách lưu lại thêm tại thành phố, gia tăng thêm lợi ích thu được cho địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Còn ông Nguyễn Minh Sang, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành quốc tế Hải Vân Cát đề xuất, ngành du lịch thành phố cần ưu tiên vào chất lượng sản phẩm và những trải nghiệm dịch vụ tốt để níu chân du khách. “Làm sao để khách hàng có được những trải nghiệm tốt hơn và cảm thấy vui vẻ khi sẵn sàng chi trả một mức cao hơn cho các dịch vụ mà mình sẽ sử dụng trong chuyến đi”, ông Sang nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Cao Trí Dũng chỉ ra rằng, để thu hút khách và tăng chi tiêu, cần tạo được các sản phẩm mới, đưa ra các định hướng sản phẩm du lịch phù hợp với từng thị trường khách. Từ đó tạo sự ổn định trong chuỗi giá trị của sản phẩm và một xu hướng mang tính sống còn là phải liên kết tạo giá trị mới cho sản phẩm của ngành du lịch bằng cách tập trung vào các chương trình kích cầu, sản phẩm trọn gói, liên kết xúc tiến vào các thị trường có giá trị gia tăng cao… Từ những yếu tố này sẽ tăng chất lượng dịch vụ của điểm đến và kích thích chi tiêu của khách.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, mới đây, ngành du lịch thành phố đã triển khai kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế giai đoạn 2019-2012 và kế hoạch phát triển thị trường khách du lịch nội địa 2019-2020. Cả hai kế hoạch đều tập trung vào các giải pháp cụ thể để thu hút các thị trường khách bằng cách đa dạng các sản phẩm du lịch, chú trọng các yếu tố tự nhiên, tạo ra các sản phẩm du lịch bền vững, gắn với thiên nhiên; phát triển hơn nữa du lịch văn hóa - một mảng bị thiếu của du lịch Đà Nẵng, trong đó tăng cường nội dung truyền thông và khả năng truyền cảm hứng cho du khách đối với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử sẵn có như: công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, thành Điện Hải, chùa Linh Ứng…

Thành phố sẽ gắn kết các giá trị văn hóa, lịch sự của thành phố với các di sản văn hoá nổi tiếng của khu vực như phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thánh địa Mỹ Sơn; ây dựng cơ chế, chính sách thu hút khách du lịch M.I.C.E, tổ chức các đợt quảng bá về du lịch M.I.C.E Đà Nẵng tại các thị trường quốc tế trọng điểm; nghiên cứu thành lập Trung tâm Quản lý hội nghị và khách du lịch trên cơ sở phát triển Trung tâm Hỗ trợ du khách…

Bài và ảnh: NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.