Nguồn nhân lực du lịch: Cung chưa đủ cầu

.

Theo các đơn vị kinh doanh trong ngành du lịch, hiện nay nguồn lao động ở lĩnh vực này trên địa bàn thành phố không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng, nhất là các vị trí cấp cao có chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo bài bản… 

Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng thực hành các nghiệp vụ buồng phòng, phục vụ nhà hàng.
Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng thực hành các nghiệp vụ buồng phòng, phục vụ nhà hàng.

Thời gian này, khách sạn Mường Thanh Luxury (đường Võ Nguyên Giáp) cần tuyển gấp một số nhân viên quản lý cấp cao như trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng, trưởng ca trực… Mặc dù đăng thông tin ở nhiều kênh khác nhau, nhưng nhà tuyển dụng vẫn chưa tìm được ứng cử viên phù hợp. Bà Hồ Thị Anh Thư, Trưởng phòng Nhân sự (khách sạn Mường Thanh Luxury) cho hay, ở Đà Nẵng hiện nay rất khó để tìm được những nhân viên quản lý xứng tầm, đáp ứng cùng lúc hai yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là thông thạo hai ngoại ngữ tiếng Anh và Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Sở Du lịch, toàn thành phố có khoảng 40.153 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, con số này tăng mạnh so với năm 2017 (chỉ có 36.082 lao động). 65% số lao động làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch có đủ chuyên môn, nghiệp vụ và đáp ứng được yêu cầu công việc;  69,5% lao động là người địa phương, tập trung làm việc đông nhất ở các cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, hướng dẫn viên du lịch…

Tuy nhiên, theo nhìn nhận từ các đơn vị, nguồn nhân lực du lịch tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế và trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Thầy Lê Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng cho biết, ngành du lịch thành phố đang cần khoảng 20.000 lao động nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng từ 3.500 - 4.000 lao động.

Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng thường xuyên nhận được “đặt hàng” từ các đơn vị kinh doanh du lịch về nguồn nhân lực, nhưng phải từ chối nhiều do không đủ khả năng cung ứng. Từ năm 2017 đến nay, nhà trường đã thu hút số lượng tuyển sinh đầu vào khá lớn (năm 2017: 686 em, năm 2018: 947 em).

“Nhu cầu tuyển dụng nhiều nên học sinh, sinh viên ngành du lịch ra trường là có việc làm. Tại trường chúng tôi, trong ngày trao bằng tốt nghiệp, cứ 1 em lại có 4 đơn vị đến tuyển dụng. Khoảng 5 tháng sau ngày tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm lên đến hơn 92% và đa số các em chọn ở lại Đà Nẵng”, thầy Lê Đức Trung nói.

Lý giải những hạn chế về nguồn nhân lực, bà Lê Thị Ái Diệp, Trưởng phòng Quản lý lưu trú (Sở Du lịch) cho rằng, chính sự phát triển nóng về lượng khách và cơ sở lưu trú đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.

Những năm gần đây, trung bình Đà Nẵng có thêm từ 3.000-3.500 phòng khách sạn mỗi năm; giai đoạn 2017-2020, ước sẽ có thêm gần 6.000 phòng khách sạn, đi kèm đó là nhu cầu cần đến hơn 4.000 nhân sự. Lực lượng hướng dẫn viên tiếng Hàn và Trung Quốc thiếu khoảng hơn 400 người.

Ông Nguyễn Minh, Tổng Thư ký Hội Khách sạn Đà Nẵng đánh giá: “Nóng nhất vẫn là nguồn nhân lực ở các vị trí chủ chốt, quản lý cấp cao tại các khách sạn 4-5 sao. Từ năm 2015 đến nay, thành phố có từ 10-15 khách sạn 4-5 sao mới ra đời, khoảng 60% các vị trí chủ chốt ở phân khúc này phải tuyển từ Hội An, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh... do nguồn cung ở Đà Nẵng không đáp ứng đủ.

Thế nhưng, việc tuyển dụng và giữ chân những lao động này rất khó vì mức lương tại Đà Nẵng thấp hơn khoảng 30% so với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cho cùng một vị trí”.

Trong khi nguồn nhân lực còn thiếu, thì công tác đào tạo vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành du lịch. Toàn thành phố hiện có gần 30 trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề nhưng chỉ có Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng là đào tạo chuyên sâu về nghề phục vụ du lịch, còn lại chỉ nằm ở các khoa, ngành. Chương trình đào tạo của các trường dạy về du lịch chưa sát với yêu cầu của công việc, thời gian thực tập ít, sinh viên ra trường thiếu kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ chưa được nhiều đơn vị chú trọng, nhất là khối khách sạn có quy mô nhỏ.

Ông Nguyễn Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận, do áp lực nguồn lao động nên việc tuyển dụng nhân lực của các khách sạn từ 3 sao trở xuống còn có phần dễ dãi. Tình trạng tranh giành, chèo kéo nhân sự giữa các doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến sự ổn định cũng như chất lượng dịch vụ. Nhiều hướng dẫn viên du lịch do chạy theo xu hướng hoạt động tour du lịch giá rẻ nên xem nhẹ việc học tập nâng cao kiến thức, ngoại ngữ.

Để xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh, ổn định và có năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu thực tế, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tự tổ chức đào tạo theo tiêu chuẩn của tập đoàn; ký kết hợp tác “đặt hàng” nguồn nhân lực với các cơ sở đào tạo. Một số trường đã mạnh dạn thay đổi chương trình đào tạo nhằm cung cấp kiến thức cho học sinh sát hơn với thực tế. Riêng Sở Du lịch định kỳ 3 năm/1 lần triển khai khảo sát về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch để có cơ sở xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển dài hạn.

Sở cũng phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ… cho doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên. Ngoài ra, Sở Du lịch hợp tác với Công ty HTS (Hospitality and Tourism Solutions) nghiên cứu về các thương hiệu quản lý khách sạn quốc tế và giải pháp định hướng phát triển chất lượng cơ sở nguồn nhân lực du lịch tại Đà Nẵng trong thời gian đến.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA
 

;
;
.
.
.
.
.