Doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu

.

Để tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chủ động đầu tư nuôi, trồng, sản xuất và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhằm góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Để giảm chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất và mở rộng thị trường nguồn nguyên liệu. Ảnh: KHÁNH HÒA
Để giảm chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất và mở rộng thị trường nguồn nguyên liệu.

Là DN đi đầu trong nội địa hóa nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may tại Đà Nẵng, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã sớm đầu tư các nhà máy sản xuất sợi với tổng công suất hơn 20.000 tấn sợi/năm. Với năng lực như vậy, đơn vị đã chủ động hoàn toàn nguồn nguyên liệu sản xuất các sản phẩm may mặc cho thị trường trong nước; đồng thời, giảm nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho hoạt động xuất khẩu xuống còn khoảng 50%.

Bà Hoàng Thùy Oanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, hiện nay số lượng vải mà Việt Nam sản xuất được chỉ có thể dùng làm vải lót trong các sản phẩm vì chưa đạt những tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã để làm vải nguyên liệu xuất khẩu. Đây là khó khăn, nhưng cũng là dư địa để các đơn vị dệt phấn đấu phát triển trong thời gian tới. Công ty đang tiếp tục mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên liệu ra một số nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan hay Indonesia…; tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất nhằm hạn chế rủi ro khi có biến động lớn về thị trường.

Để cải thiện việc khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, vài năm trở lại đây, Xí nghiệp Chế biến gỗ Vinafor (Công ty CP Vinafor Đà Nẵng) đầu tư mở rộng vùng trồng cây keo ở một số địa phương như Huế, Quảng Nam với hình thức DN tự bỏ vốn, thuê đất và bao thầu đầu ra cho người dân. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng hiện nay chưa đủ cung ứng cho nhu cầu sản xuất của đơn vị mà phần lớn nguyên liệu vẫn phải thu mua từ TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quy Nhơn…

Điều này khiến chi phí đầu vào cao, DN chịu ảnh hưởng từ thị trường trong và ngoài nước khi có biến động. “Do nằm gần với trung tâm sản xuất sản phẩm từ gỗ của khu vực miền Trung là Quy Nhơn nên chúng tôi chịu áp lực cạnh tranh về thu mua nguyên liệu, nhất là về giá cả. Do đó, hướng sắp tới của chúng tôi là tiếp tục tìm kiếm nguồn nguyên liệu ở một số khu vực xa hơn để tạo sự chủ động cho mình”, ông Lê Trung Thảo, Giám đốc Xí nghiệp chế biến gỗ Vinafor cho hay.

Để giảm chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất và mở rộng thị trường nguồn nguyên liệu.
Để giảm chi phí đầu vào và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất và mở rộng thị trường nguồn nguyên liệu.

Qua tìm hiểu, nhiều DN sản xuất cho rằng, trong khi tình hình kinh tế- chính trị trên thế giới ngày càng có nhiều biến động khó lường thì việc chủ động nguồn nguyên liệu là giải pháp căn cơ để DN tăng giá trị cạnh tranh, chủ động đáp ứng những yêu cầu từ phía đối tác. Song, để làm được điều này không hề dễ do nguồn nguyên liệu trong nước còn hạn chế; hình thức, mẫu mã cũng như giá cả khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập, nhất là từ Trung Quốc.

Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Giày BQ bày tỏ, phần lớn nguồn nguyên liệu của ngành sản xuất giày dép vẫn nhập từ Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác. Tại Đà Nẵng, Giày BQ là đơn vị đi tiên phong trong việc chuyển dần sang sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc như trước đây. Giày BQ thực hiện liên kết gia công với các công ty và các xưởng sản xuất trong nước và đến nay, 100% sản phẩm của đơn vị là hàng sản xuất trong nước với nguồn nguyên liệu được nội địa hóa hoàn toàn.

Chia sẻ về quá trình nội địa hóa nguồn nguyên liệu để từng bước xây dựng nên thương hiệu giày “made in Đà Nẵng”, ông Phan Hải nhận định, đây là điều vô cùng khó khăn bởi lẽ giá nguyên liệu trong nước thường cao hơn hàng nhậu khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) khiến DN gặp sức ép cạnh tranh với các thương hiệu giày dép lớn trong và ngoài nước. Để kiên trì mục tiêu xây dựng nên sản phẩm giày, dép 100% sản xuất trong nước, từng bước khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, công ty tập trung đầu tư cho chất lượng sản phẩm và chế độ chăm sóc khách hàng.

Cùng với sự chủ động của các DN, trong thời gian qua, Sở Công thương, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về nông thôn; phối hợp tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm kết nối giao thương trong và ngoài nước, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm cho DN…; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về hàng hóa Việt Nam, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của DN, tạo môi trường lành mạnh cho thị trường nội địa…

Bài và ảnh: HOÀNG LINH
 

;
;
.
.
.
.
.