Đa dạng hóa thị trường khách du lịch

.

Đa dạng hóa thị trường khách du lịch để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định là điều ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp khai thác dịch vụ lữ hành trên địa bàn Đà Nẵng đang hướng đến; từ đó góp phần cân bằng và ổn định nguồn khách.

Cần sớm xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, phù hợp với từng thị trường khách đang nhắm đến. TRONG ẢNH: Khách du lịch tàu biển đến Đà Nẵng. 	                                           Ảnh: SONG KHUÊ
Cần sớm xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, phù hợp với từng thị trường khách đang nhắm đến. TRONG ẢNH: Khách du lịch tàu biển đến Đà Nẵng. Ảnh: SONG KHUÊ

Hiện nay, hai thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc đang có sự tăng trưởng vượt bậc, thay nhau dẫn đầu các thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng. Trong vòng 4 năm (từ 2013-2017), thị trường khách Hàn Quốc tăng 16 lần, từ 55.000 lượt khách (năm 2013) lên hơn 900.000 lượt khách (năm 2017). Bên cạnh đó, thị trường khách Trung Quốc, Nhật Bản cũng có biên độ tăng trưởng nhất định.

Ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Travel Mart phân tích, một số thị trường đông khách quốc tế đến Đà Nẵng có sử dụng tour giá rẻ sẽ ảnh hưởng tích cực và tiêu cực cho điểm đến. Mặt tích cực là nhanh chóng thu hút một lượng khách lớn, đem lại thu nhập cho đơn vị cung ứng dịch vụ, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Song, mặt tiêu cực có thể làm mất hình ảnh điểm đến như: bán hàng giá cao, hàng hóa không rõ nguồn gốc… để bù vào tour giá rẻ; khó kiểm soát việc thanh toán của du khách dẫn đến thất thu thuế.

Do đó, việc mở rộng những thị trường tiềm năng là rất cần thiết. Theo bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, một số thị trường khách quốc tế đứng sau thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản là Mỹ, Úc và các nước trong nhóm thị trường châu Âu như Anh, Pháp… thường xuyên nằm trong top 10 đến Đà Nẵng, nhưng lượng khách hay có sự dao động.

Ấn Độ cũng là một thị trường vô cùng tiềm năng, nhưng hầu như chưa được khai thác nên lượng khách rất thấp, chỉ khoảng 4.963 lượt khách trong 8 tháng đầu năm 2018, chiếm 0,23% trong cơ cấu khách quốc tế.

Lý giải nguyên nhân một số thị trường chưa được đẩy mạnh khai thác, bà Hương Lan cho rằng, thứ nhất là Đà Nẵng hiện chưa có đường bay trực tiếp đến những quốc gia này; thứ hai, điểm đến Hội An vốn là đòn bẩy, giúp tăng sức hút cho Đà Nẵng nhưng nay lại giảm sức hút đối với khách Âu, Mỹ và Úc do bị quá tải khách châu Á; thứ ba, công tác xúc tiến các thị trường vẫn gặp khó khăn do chi phí lớn.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng thiếu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất là sản phẩm du lịch văn hóa phù hợp thị hiếu khách Âu, Mỹ, Úc; khả năng cung ứng và dịch vụ cho các phân khúc cao cấp và thị trường Ấn Độ chưa nhiều; thiếu kết nối với các tổ chức quảng bá, các công ty lữ hành quốc tế lớn…

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, mục tiêu phát triển du lịch đề ra đến năm 2020 là đón 8,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 3,6 triệu lượt, tăng trưởng bình quân đạt 18,3%.

Ngành Du lịch phấn đấu đến năm 2021 tăng tỷ trọng của các thị trường quốc tế tiềm năng lên 15% (năm 2017, tỷ trọng thị trường các nước Mỹ, Úc, Tây Âu và Ấn Độ chỉ khoảng 6,53%). Do đó, ngoài các hoạt động xúc tiến thị trường trọng điểm từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, thời gian tới cần xúc tiến tại các thị trường quốc tế tiềm năng như Bắc Mỹ, Tây Âu, Úc, Ấn Độ.

Cần sớm xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, phù hợp với từng thị trường khách đang nhắm đến.
Cần sớm xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, phù hợp với từng thị trường khách đang nhắm đến.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường 2017, tỷ lệ tiếp cận thông tin về du lịch Đà Nẵng từ Internet và mạng xã hội của thị trường khách Úc chiếm 93%, trong đó 90% khách du lịch Úc đến Đà Nẵng với mục đích đi du lịch thuần túy, tiếp theo là đi du lịch kết hợp kinh doanh, hội nghị, hội thảo chiếm 10%.

Tuy nhiên, khả năng thu hút nguồn khách Úc từ các công ty lữ hành nước này vẫn còn hạn chế, bởi nhiều đơn vị lữ hành hoặc chuyên gia tư vấn du lịch còn chưa biết đến Đà Nẵng nên bỏ qua điểm đến này trong chương trình tour xuyên Việt của họ.

Đối với thị trường châu Âu, Đà Nẵng có thể trở thành điểm đến yêu thích nhờ lợi thế về các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, sân golf... Trong báo cáo của Cộng đồng châu Âu và Hội đồng Du lịch châu Âu (ETC) chỉ ra rằng, lý do chính để khách Tây Âu quyết định đi du lịch là để tắm biển/tắm nắng (44% khách Anh, 36% khách Ý, 40% khách Pháp, 37% khách Tây Ban Nha và 37% khách Đức lựa chọn).

Tuy vậy, cũng như thị trường Mỹ, Úc, trải nghiệm văn hóa là một trong những yếu tố quyết định chuyến đi của khách Tây Âu.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để tiếp cận được những thị trường khách này, ngành du lịch thành phố cần đẩy mạnh xúc tiến thị trường thông qua các hãng bay như phối hợp với Qatar trong việc xúc tiến thị trường Bắc Mỹ, châu Âu; kết nối với các hãng hàng không để mở đường bay trực tiếp đến Melbourne (Úc)…; tăng cường xúc tiến tại chỗ để giảm gánh nặng kinh phí như kết nối lữ hành Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để đưa Đà Nẵng vào chương trình tour quốc tế; thường xuyên đón các đoàn famtrip (đoàn khảo sát dành cho các đơn vị lữ hành), presstrip (đoàn khảo sát dành cho báo chí, truyền thông) từ các thị trường tiềm năng; kết nối thị trường thông qua người đại diện, công ty tư vấn du lịch.

Thành phố cần nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch văn hóa cho thị trường khách Âu, Mỹ, Úc; xúc tiến việc quảng bá du lịch theo chiều sâu hướng vào các phân khúc mục tiêu chiến lược và tối ưu hóa các kênh quảng bá trực tuyến; tập trung phát triển loại hình du lịch M.I.C.E… để thu hút được nguồn khách từ các thị trường mới.

Bài và ảnh: SONG KHUÊ

 

;
;
.
.
.
.
.