Tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực du lịch

.

Thời gian qua, sự phát triển nhanh của ngành du lịch đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho thành phố. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đặt ra thách thức đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tình trạng thất thu thuế.

Số thu ngân sách vẫn chưa thực sự tương xứng với tốc độ phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Đà Nẵng bằng xích lô.  		                      Ảnh: KHÁNH HÒA
Số thu ngân sách vẫn chưa thực sự tương xứng với tốc độ phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Đà Nẵng bằng xích lô. Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, trong 10 tháng qua, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt hơn 6,8 triệu lượt, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng thu du lịch ước đạt hơn 23.600 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Toàn thành phố có 335 đơn vị kinh doanh lữ hành (tăng 7 đơn vị so với cùng kỳ năm 2017) và có 41 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn. Như vậy, du lịch Đà Nẵng đang trên đà tăng trưởng nhanh ở tất cả các phân khúc như: lượng khách đến, cơ sở lưu trú, đơn vị kinh doanh du lịch và nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành du lịch cũng như các cơ quan thuế, số thu ngân sách vẫn chưa thực sự tương xứng với quy mô, tiềm năng và tốc độ phát triển của ngành. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho rằng, vẫn còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp kinh doanh du lịch cố tình lách thuế, kê khai không đúng thực tế, vi phạm quy định về niêm yết giá.

Bên cạnh đó, thời gian qua, việc xuất hiện loại hình du lịch tour giá rẻ và các cửa hàng tự ý giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ, máy POS... Qua công tác kiểm tra, đơn vị đã xử phạt Công ty TNHH MTV H. (kinh doanh đá quý) số tiền 450 triệu đồng về hành vi niêm yết giá bán hàng hóa bằng ngoại tệ (USD); xử phạt Công ty TNHH V. (kinh doanh thực phẩm chức năng trái nhàu) vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập với số tiền 22,5 triệu đồng...

Quận Sơn Trà là địa bàn trọng điểm du lịch của thành phố. Hiện nay, Chi cục Thuế quận triển khai quyết liệt công tác chống thất thu, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, spa, hàng lưu niệm...

Kết quả, Chi cục Thuế quận đã điều chỉnh tăng doanh thu hơn 3,3 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 2,4 tỷ đồng, số thuế tăng trên 172,9 triệu đồng. Tương tự, tại quận Ngũ Hành Sơn, ông Võ Quang Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Ngũ Hành Sơn cho biết, qua giám sát, kiểm tra đối với hồ sơ khai thuế của 44 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, tiệc cưới, đơn vị đã tăng doanh thu, số thuế phải nộp so với cùng kỳ năm trước (doanh thu tăng 137%, số thuế phải nộp tăng 144%).

Khách du lịch mua sắm tại chợ Hàn.
Khách du lịch mua sắm tại chợ Hàn.

Báo cáo của Cục Thuế Đà Nẵng cho thấy, tính đến hết tháng 10-2018, việc triển khai công tác chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh du lịch đã đem lại nguồn thu lớn cho thành phố.

Cụ thể, qua kiểm tra 94 cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn (44 nhà hàng, 29 khách sạn và 21 trung tâm hội nghị tiệc cưới) có quy mô kinh doanh lớn nhưng kê khai doanh thu, số thuế phải nộp chưa sát với thực tế. Đơn vị đã yêu cầu điều chỉnh doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) phát sinh của các đơn vị này gần 1.300 tỷ đồng, bằng 115% so với cùng kỳ.

Như vậy, số thuế GTGT phát sinh phải nộp là 58,8 tỷ đồng bằng 114% so cùng kỳ. Cục Thuế Đà Nẵng cũng đã đưa vào diện giám sát 82 đơn vị kinh doanh lữ hành, chuỗi các cửa hàng mua sắm, đặc biệt là những đơn vị kinh doanh tour “0 đồng” có rủi ro cao về thuế.

Đến thời điểm hiện tại, ngành thuế đã kiểm tra và có kết luận xử lý 49 đơn vị với số thuế truy thu và phạt trên 11,4 tỷ đồng, giảm lỗ trên 10,9 tỷ đồng, giảm khấu trừ 515,1 triệu đồng; đồng thời xác định 12 trường hợp có dấu hiệu bỏ ngoài sổ sách kế toán với khoản doanh thu liên kết trong kinh doanh lên đến hàng trăm tỷ đồng để tiếp tục kiểm tra, soát xét đối chiếu và có hướng xử lý; trong đó đã lập thủ tục chuyển cơ quan Công an đề nghị điều tra 2 trường hợp có dấu hiệu trốn thuế.

Theo ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng, công tác chống thất thu ngày càng khó khăn do cơ chế quản lý doanh nghiệp còn nhiều lỗ hổng trong khi hình thức lách thuế ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, việc du khách, người bán hàng có xu hướng sử dụng công nghệ thanh toán qua máy POS, điện thoại thông minh khiến việc kiểm tra, phát hiện các trường hợp này rất khó khăn...

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách ở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Đình Ân cho biết, đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, lữ hành, kinh doanh ăn uống, thương mại dịch vụ; triển khai thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế trên toàn địa bàn thành phố... ; từ đó, có cơ sở phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra và đề ra những quy định chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cung cấp thông tin về số lượng khách, dịch vụ của doanh nghiệp để cơ quan thuế có cơ sở đối chiếu với số liệu doanh nghiệp đã kê khai nhằm chống thất thu thuế...”, ông Ân nói.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.
.