GƯƠNG LÀM KINH TẾ GIỎI

Thành công từ đánh bắt hải sản

.

Sau ba năm chuyển từ nghề đi lưới cản sang đi bủa câu, gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng (55 tuổi, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đã đóng được 3 chiếc tàu mới công suất trên 800 CV chuyên đánh bắt ở ngư trường xa. Ông là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.

Ông Hoàng (trái) đang cùng các lao động chuẩn bị đồ nghề trước khi vươn khơi.
Ông Hoàng (trái) đang cùng các lao động chuẩn bị đồ nghề trước khi vươn khơi.

Khi được hỏi bí quyết để có sản lượng cá lớn sau mỗi chuyến đi, ông Hoàng chia sẻ, các lao động trên tàu ông chỉ tập trung bủa lưới. Toàn bộ lưới câu sẽ được gom lại mang vào đất liền và có một đội lao động khác làm nhiệm vụ gỡ lưỡi câu.

Ông lý giải, bình thường khi đi câu, mỗi tàu sẽ có khoảng 100 vợt lưới với 10.000 lưỡi câu. Sau mỗi lần thả lưới, các tàu này phải dành thời gian gỡ lưỡi của các vợt lưới để tiếp tục đánh mẻ cá khác nên sản lượng cá thu về không cao.

“Thời gian chờ gỡ lưỡi câu rất lâu nên thay vì 10.000 lưỡi như các tàu khác, tôi đầu tư 1.000 vợt lưới với 100.000 lưỡi câu, đủ thả câu trong suốt chuyến đi mà không sợ thiếu. Cách làm này sẽ giúp các lao động không mất thời gian, công sức để gỡ lưới”, ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, để đầu tư số lưỡi câu cho các tàu, ông Hoàng phải tốn kinh phí từ vài trăm triệu tới gần 1 tỷ đồng. Nhờ đó, trung bình mỗi chuyến đi, gia đình ông thu về sản lượng khoảng 3-4 tấn/tàu, trị giá từ 300-400 triệu đồng. Sau một năm theo nghề bủa câu (năm 2015), trừ các chi phí, ông thu về khoảng 3 tỷ đồng. Từ buổi ban đầu chỉ có 1 tàu, hiện ông có 3 tàu với trị giá khoảng 4 tỷ đồng/tàu.

Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng rất quan tâm đến cuộc sống của các lao động trên tàu. Nếu chuyến nào sản lượng thu về ít, ông chia hết cho lao động, thậm chí bỏ tiền túi ra cho thêm để động viên. Ông chỉ nghĩ những lúc khó khăn thì chia sẻ cùng nhau để vượt qua.

Có lẽ nhờ vậy, các lao động thường gắn bó lâu dài với ông và với nghề. Làm cùng ông những ngày còn đi lưới cản, anh Nguyễn Văn Rỡ (ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bày tỏ: “Tui đi tàu với chú Hoàng nhiều năm quen việc rồi. Công việc tuy vất vả nhưng bù lại được trả tiền công xứng đáng”.

Hiện ông Hoàng có 2 trong số 4 người con theo ông làm nghề câu và cùng ông quản lý 3 chiếc tàu với khoảng 10 lao động/tàu. Mỗi chuyến ra khơi ông đều đặt chỉ tiêu về sản lượng cá để anh em trên tàu cùng cố gắng. Dù rằng thời gian gần đây giá nguyên liệu, xăng dầu tăng cao, giá cá sụt giảm và thu nhập không dồi dào như mấy năm trước nhưng ông và các lao động vẫn quyết tâm bám biển.

Ông Mai Đãi, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông thông tin, hiện nay nghiệp đoàn của phường có 251 đoàn viên trực tiếp tham gia đánh bắt trên biển với sản lượng khoảng 5.000-6.000 tấn/năm. “Nhờ sự siêng năng, cần cù cũng như biết cải tiến, đổi mới phương cách đánh bắt hải sản, gia đình ông Hoàng là một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động”, ông Đãi nói.

Bài và ảnh: NHẬT HẠ

;
.
.
.
.
.
.