Doanh nghiệp giữ chân người giỏi

.

Có được những nhân viên giỏi luôn là mong muốn của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, nếu không có chế độ chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc phù hợp thì rất khó để có thể “giữ chân” người giỏi.

Giữ chân nhân viên giỏi, kỹ sư lành nghề... là vấn đề chiến lược của nhiều doanh nghiệp hiện nay.                  (Ảnh minh họa)
Giữ chân nhân viên giỏi, kỹ sư lành nghề... là vấn đề chiến lược của nhiều doanh nghiệp hiện nay. (Ảnh minh họa)

Ông Lê Trường Kỹ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, Chủ tịch Dinco Group:

Tuyển dụng và giữ chân người giỏi phải từ “tâm và tầm”

Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc tuyển dụng và “giữ chân” người giỏi đóng vai trò hết sức quan trọng đối với DN. Bởi vậy, cần có chính sách quản trị nhân lực hiệu quả. Đó là cuộc cạnh tranh thực sự giữa các DN với nhau để có được người giỏi.

Việc tuyển dụng người giỏi không nhất thiết chỉ gói gọn ở bất cứ một địa phương, khu vực nào mà có thể mở rộng ra phạm vi cả nước, thậm chí nước ngoài.

Trong việc tuyển dụng và giữ chân người giỏi, cái “tâm và tầm” của đội ngũ lãnh đạo là quan trọng nhất; không chỉ trân trọng tài năng mà còn phải biết tạo điều kiện thuận lợi cho họ phát huy tài năng đó để đóng góp vào sự phát triển của đơn vị.

Với người giỏi, đừng nên tiếc tiền bởi lẽ giá trị mà họ mang lại còn lớn gấp bội phần số tiền DN bỏ ra để trả cho họ. Sự khác biệt của họ đối với những lao động bình thường khác nằm ở thái độ làm việc tích cực, chủ động trong hành vi ứng xử, luôn có mục tiêu phát triển dài hạn và không tự hài lòng với chính bản thân hay thành tích đã đạt được.

Bên cạnh đó, một nhân viên giỏi là người luôn có tư duy “tăng thu, giảm chi” cho đơn vị của mình. Nhân viên giỏi chính là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của DN.

Ông Lê Văn Hiểu, Tổng Giám đốc Công ty CP Máy và Thiết bị phụ tùng (Seatech) Đà Nẵng:

Tạo môi trường cho người giỏi thể hiện và thăng tiến

Hiện nay, nhân sự không chỉ dừng lại ở khái niệm “người làm công” cho ông chủ mà trở thành vấn đề chiến lược, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của DN. Các DN lớn đều có hệ thống quản lý nhân sự kỹ đến từng chi tiết như: thông tin cá nhân, sở thích, hoàn cảnh gia đình, ưu - nhược điểm, thành tích đạt được trong công việc...

Chẳng hạn, khi nhân viên có thành tích tốt, chúng tôi sẽ thưởng ngay trong tháng vào tiền lương. Bên cạnh đó, phải tính toán đến việc bổ nhiệm vào vị trí cao hơn đối với người tài. Đây là điều hết sức quan trọng vì người tài luôn có khát vọng thăng tiến khi họ đã cống hiến trí tuệ, sức lực cho công việc.

Chúng tôi luôn đặt mục tiêu xây dựng nơi làm việc trở thành ngôi nhà thứ hai đối với người lao động. Ở đó, mọi nhân viên vừa có việc làm, thu nhập, giải trí và thoải mái phát huy sự sáng tạo. Chúng tôi đã tổ chức 2 hội thảo khoa học để các nhân viên nếu có sáng kiến, ý tưởng hay đều có thể trình bày. Hội đồng bình chọn sẽ chọn ra sáng kiến tốt nhất và trao giải thưởng có giá trị lớn. Làm như vậy để thấy rằng, môi trường tại DN cũng chính là trường học để hỗ trợ đội ngũ cán bộ, kỹ sư không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.

Ông Mai Văn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Adoor Việt Nam:

Gắn kết bằng sợi dây tình cảm

Là DN khởi nghiệp được 5 năm, tôi thấy bài toán giữ chân nhân viên nói chung, nhân viên giỏi nói riêng không hề dễ dàng. Với DN khởi nghiệp thì hạn chế lớn nhất là vốn, cơ hội phát triển thậm chí phải đối mặt với thất bại nhiều lần.

Trong tình trạng đó, kinh nghiệm để giữ chân nhân viên giỏi trước hết là sự chân thành của mình với nhân viên để tạo nên không khí làm việc vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau và tạo điều kiện để họ có thể phát huy khả năng sáng tạo. Khi DN đã ổn định thì nên tăng lương cho người giỏi, người đã gắn bó lâu năm và có nhiều đóng góp cho đơn vị. Quản trị nhân lực ngoài thế mạnh về tài chính thì mối quan hệ tốt giữa lãnh đạo với nhân viên cũng là một trong những yếu tố nhằm giữ chân nhân viên ở lại với đơn vị.

HOÀNG LINH (ghi)

;
.
.
.
.
.
.
.