Bạn đọc viết

Trân trọng đồng tiền là cách ứng xử văn hóa

.

Nhiều năm nay, khi đi xe buýt, tôi quan sát thấy người làm việc trên xe buýt thường dành thời gian sắp xếp lại những tờ tiền cho gọn gàng. Đặc biệt, họ còn tỉ mẩn vuốt thẳng những tờ tiền để chúng không bị quăn góc.

Dù đó là công việc hằng ngày của những người phục vụ trên xe buýt nhưng tôi vẫn cảm nhận rằng, sự tỉ mẩn ấy chỉ có được từ những người biết trân trọng, nâng niu đồng tiền và trong xã hội vẫn còn nhiều người sử dụng tiền một cách cẩu thả nên mới để những tờ tiền bị nhàu nhĩ, nhanh hỏng như vậy. Một khi đồng tiền bị rách, không thể sử dụng, Nhà nước phải thu hồi để hủy, rồi phải tốn chi phí để in và phát hành các tờ tiền mới thay thế.  

“Của bền tại người”, tôi nghĩ đồng tiền cũng vậy. Nếu ai cũng có ý thức trân trọng, nâng niu các tờ tiền thì nó sẽ bền lâu; ngược lại, nếu sử dụng tiền cẩu thả, các tờ tiền sẽ nhanh chóng bị cũ và rách nát...

Những lần đi chợ, tôi thấy nhiều người buôn bán thịt heo, thịt gia cầm, cá..., tay dính đầy huyết, mỡ, cầm tiền của khách trả và bỏ vào túi. Khi cần thối lại, họ cũng chẳng rửa hay lau tay mà cho tay vào túi lấy tiền ra. Có lần, tôi đưa cho người bán thịt heo ở chợ 200.000 đồng và nhận lại các tờ tiền dính đầy mỡ và cả một vài mẩu thịt vụn. Về đến nhà, tôi phải dùng nước rửa lại các tờ tiền và sau đó dùng khăn lau khô. Rất may các tờ tiền bằng chất polymer nên không bị ảnh hưởng khi thấm nước.

Thêm vào đó, một số người còn viết, vẽ lên cả tiền. Như vậy, tờ tiền sẽ dính mực suốt trong quá trình tồn tại của nó.

Thiết nghĩ, nếu ai cũng có hành động nâng niu tiền thì những tờ tiền lưu hành trên thị trường không chỉ phẳng phiu, bền đẹp, lâu bị cũ nát, mà còn không bị... bẩn vì những tạp chất. Trân trọng đồng tiền là cách ứng xử văn hóa.

NGUYỄN LONG

;
.
.
.
.
.
.