Vì sao giá thịt heo tăng mạnh?

.

Từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, giá thịt heo trên thị trường rớt “chạm đáy” khiến người chăn nuôi trong nước phải bỏ vì lỗ nặng, tuy nhiên hiện nay giá heo lại tăng lên mức kỷ lục.

Giá thịt heo bán lẻ hiện tăng từ 10.000 -15.000 đồng/kg so với hồi đầu năm. TRONG ẢNH: Người tiêu dùng đang lựa chọn mua thịt heo tại chợ Đống Đa.
Giá thịt heo bán lẻ hiện tăng từ 10.000 -15.000 đồng/kg so với hồi đầu năm. TRONG ẢNH: Người tiêu dùng đang lựa chọn mua thịt heo tại chợ Đống Đa.

Khảo sát cho thấy, giá thịt heo trên thị trường Đà Nẵng thời gian gần đây có sự chênh lệch khá lớn so với những tháng trước. Cụ thể, giá bán lẻ tại các chợ tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg như: thịt vai 80.000-85.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg), thịt mông từ 90.000 - 100.000 đồng/kg (tăng 10.000-15.000 đồng/kg), thịt ba chỉ giá 100.000 -110.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng/kg), sườn non 120.000 - 130.000 đồng/kg, tùy chợ...

Giải thích về giá thịt tăng, bà Lê Thị Xuân (tiểu thương bán thịt gần 20 năm ở chợ Đống Đa) cho biết, giá thịt heo tăng mạnh do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nguồn cung giảm đáng kể. Thậm chí, có thời điểm khan hiếm các đầu nậu phải tự đi gom lẫn nhau. Nguyên nhân nguồn cung sụt giảm là do bắt đầu từ tháng 8-2017, giá thịt heo có lúc chỉ còn 18.000 - 22.000 đồng/kg, khiến nhiều trang trại và hộ chăn nuôi rơi vào cảnh khốn khó. Không ít tiểu thương buôn thịt cũng chuyển sang buôn mặt hàng khác có lợi nhuận cao hơn. Sự sụt giảm mạnh về số lượng cơ sở chăn nuôi khiến nguồn cung bị hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn không giảm. Bà Xuân cho hay, có thời điểm một số cơ sở cung cấp đầu mối tính toán “ém hàng” để chờ tăng thêm một vài giá mới chịu xuất bán.

Theo các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, một nguyên nhân khác khiến giá heo năm nay cao vọt là do giá thức ăn chăn nuôi tăng nhanh. Các loại thức ăn cho ngành chăn nuôi công nghiệp như đậu, bắp và các nguyên liệu bổ sung chủ yếu đều phải nhập khẩu nên chịu ảnh hưởng của biến động trên thị trường quốc tế, giá thế giới tăng kéo theo giá trong nước tăng lên tương ứng.

Anh Nguyễn Mười, hộ chăn nuôi tại xã Hòa Sơn cho biết, thức ăn chăn nuôi (TĂCN) chiếm khoảng 70-80% giá trị trong đầu tư chăn nuôi heo, khi giá heo xuống thấp thì giá TĂCN vẫn giữ nguyên khiến người nuôi lỗ nặng. Còn khi giá heo vừa tăng lên, các doanh nghiệp cung cấp TĂCN cũng có nhiều lý do để tăng giá. Từ đầu năm đến nay đã có 2 đợt tăng giá bột cám, mỗi đợt tăng thêm trung bình từ 5.000 - 10.000 đồng/bao (loại 25kg). 

Về thông tin cho rằng, giá heo tăng là do thị trường Trung Quốc chi phối, ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cho biết, từ năm 2016 đến đầu năm 2017, số lượng heo do thương lái thu mua xuất đi Trung Quốc ồ ạt, nhưng từ giữa 2017 đến nay hầu như không có. “Các văn bản của Cục Chăn nuôi và Thú y gửi về cũng đánh giá thời gian qua, tình hình chăn nuôi trong nước có sự mất cân đối về cung-cầu dẫn tới giá cả tăng đáng kể. Nông dân đã bỏ chăn nuôi heo và không dám tái đàn nên một thời gian dài thị trường sụt giảm”, ông Thái nói.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố, hiện tổng đàn heo trên địa bàn Đà Nẵng vào khoảng 53.000 con (giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó, heo nái khoảng 4.800 con, chủ yếu của các trang trại chăn nuôi lớn như Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam tại Hòa Vang, số còn lại của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở địa phương không đáng kể. Theo đó, lượng heo đưa về các lò mổ hằng ngày tại Đà Nẵng vẫn phụ thuộc vào thị trường Bình Định (chiếm 60-70%) và một số từ các địa phương phía nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Nhìn chung, nguồn cung cho thị trường Đà Nẵng khá ổn định với số lượng heo đưa vào lò mổ Đà Sơn từ 1.200 - 1.250 con/ngày. Tính chung toàn thành phố, mỗi ngày đêm các lò giết mổ khoảng trên dưới 1.500 con heo.

Theo tìm hiểu, giá heo hiện nay được người chăn nuôi đánh giá là tăng cao nhất từ trước đến nay. Song, thị trường đang có xu hướng giảm vì nguồn cung chăn nuôi trong nước đang dần tăng. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan khuyến cáo người dân không nên vì giá heo cao mà bất chấp tăng đàn bất hợp lý. Thực tế, bài học khủng hoảng thừa phải “giải cứu heo” từ năm 2017 đã khiến người nông dân điêu đứng. Bên cạnh đó, hộ chăn nuôi không nên “ém hàng” để chờ giá, dễ gặp rủi ro vì nguồn cung hiện giờ không thiếu.

Bài và ảnh: Duyên Anh – Thái Thanh

;
.
.
.
.
.
.