Khởi nghiệp từ nghiên cứu khoa học

.

Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) được xem là nền móng của việc khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng. Trong quá trình này, nhà trường chính là người đồng hành và truyền cảm hứng cho sinh viên.

Nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên xuất phát từ nhu cầu thực tế, có tiềm năng phát triển thành dự án khởi nghiệp.  Trong ảnh: Mô hình xe dọn dẹp hồ nuôi tôm của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng.
Nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên xuất phát từ nhu cầu thực tế, có tiềm năng phát triển thành dự án khởi nghiệp. Trong ảnh: Mô hình xe dọn dẹp hồ nuôi tôm của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng.

Lê Chí Hiếu (sinh viên lớp 13X2, Khoa Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) cùng nhóm bạn thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp nông dân sản xuất rau sạch hiệu quả. Đây là đề tài NCKH sau khi các sinh viên tìm hiểu thực tế tại thôn Túy Loan, huyện Hòa Vang – nơi đa phần người dân sử dụng phương pháp tưới phun truyền thống.

Hiếu cho biết, tưới phun có bất cập là tốn nước, tốn công lao động, lại dễ làm phân bón bị rửa trôi. Trong khi đó, phương pháp tưới nhỏ giọt đã được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới và chứng minh được hiệu quả. Nghĩ là làm, nhóm tự thiết kế hệ thống tưới cơ bản, cho phép hòa tan phân với nước theo nồng độ thích hợp, lọc cát, cảm biến độ ẩm để tự đóng mở van tưới… Hệ thống này đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi NCKH “Khởi nghiệp từ những ý tưởng” do Đoàn Trường ĐH Bách khoa tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua.

Hiện tại, hệ thống tưới nhỏ giọt của nhóm sinh viên đã được áp dụng trên đất sản xuất của thôn Túy Loan. Hiếu chia sẻ, đây là bước tiếp cận đầu tiên của nhóm đối với công nghệ để làm rau sạch. Trong thời gian tới, các bạn sẽ tiếp tục khởi nghiệp ở quy mô lớn hơn, kỳ vọng góp phần dần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, mang lại hiệu quả cao.

Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), phong trào sinh viên NCKH được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ năm 2016. PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã hình thành và đưa vào hoạt động 36 nhóm Học tập – Nghiên cứu (SRT), thu hút hơn 200 sinh viên tham gia. Từ đây, đã xuất hiện các đề tài NCKH có ý tưởng công nghệ mới lạ, mang tính ứng dụng cao. Một số sản phẩm nghiên cứu của sinh viên (son môi tự làm, nấm linh chi và nấm sò tím nuôi trồng công nghệ cao…) được thương mại hóa, nhưng quy mô vẫn còn rất khiêm tốn.

Giữa tháng 4 vừa qua, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật phối hợp với Trường ĐH Bách khoa tổ chức chương trình “Hỗ trợ khởi nghiệp” nhằm giới thiệu những thông tin và kiến thức về khởi nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên giao lưu với các nhóm đạt giải trong các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng, tìm hiểu về các nghiên cứu, sản phẩm công nghệ đạt giải…

PGS.TS. Phan Cao Thọ nói: “Đã đến lúc nhà trường đồng hành cùng các em trong khởi nghiệp, ít nhất phải giúp các em nhận thức rằng phải biết tạo công việc cho chính mình và cho bạn bè, cho cộng đồng”.

Nhằm đào tạo kỹ năng NCKH và khởi nghiệp, kể từ năm 2016 tại Đà Nẵng đã có nhiều tọa đàm, cuộc thi dành riêng cho sinh viên về lĩnh vực này. Tại tọa đàm “Khát vọng khởi nghiệp và NCKH” do Đoàn ĐH Đà Nẵng tổ chức, các sinh viên được tìm hiểu về những kỹ năng NCKH như: cách xác định mục tiêu phù hợp; kỹ năng ngoại ngữ để đọc và tham khảo tài liệu nước ngoài; kỹ năng tin học (thu thập và xử lý số liệu, sử dụng các phần mềm chuyên dụng); kỹ năng lắng nghe và học hỏi, tiếp thu ý kiến từ giảng viên; kỹ năng viết và trình bày báo cáo, đề tài NCKH…

Trước đây, các cuộc thi NCKH sinh viên thường chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu thuần túy. Song hiện tại, nhiều cuộc thi bắt đầu mang định hướng gắn liền nghiên cứu và ứng dụng, khởi nghiệp.

Điển hình như cuộc thi sinh viên NCKH với chủ đề “Khởi nghiệp từ những ý tưởng” của Đoàn trường ĐH Bách khoa vào cuối tháng 3; cuộc thi “Sinh viên NCKH năm 2018” do Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ phát động vào cuối tháng 4… Các tiêu chí chấm giải nhấn mạnh vào tính mới, sáng tạo, có khả năng áp dụng vào thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội.

Trên thực tế, số lượng dự án khởi nghiệp xuất phát từ các NCKH sinh viên vẫn còn rất khiêm tốn. Theo ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, một trong những lý do chính là khi làm dự án, các sinh viên thường chọn người đồng hành là những bạn bè chung lớp, chung ngành… Chính vì vậy, trong nhóm thường chỉ có một chuyên môn, trong khi làm khởi nghiệp cần một đội ngũ nhân sự kỹ thuật, kinh tế đa dạng.

PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho rằng, các trường đại học, cao đẳng nên chú ý tập trung phát triển khởi nghiệp ở một số ngành, tùy thuộc vào đặc thù từng trường. 

Song song đó, ĐH Đà Nẵng cần tạo ra một sân chơi, diễn đàn chung, đóng vai trò đầu mối liên kết với các thành tố khác của hệ sinh thái khởi nghiệp. Điều này vừa giúp khai thác nguồn lực, vừa hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của các trường.

Nhằm thúc đẩy hoạt động NCKH và khởi nghiệp, trong tháng 5-2018 Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật sẽ đưa nội dung khởi nghiệp vào các đợt sinh hoạt cuối khóa dành cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. Dự kiến vào đầu năm học tới, trường sẽ tổ chức hội thảo “SRT và Khởi nghiệp” nhằm tập huấn khởi nghiệp cho các nhóm SRT, đưa định hướng khởi nghiệp vào đề tài của các nhóm.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.