Làng nghề tất bật ngày giáp Tết

.

Đến thăm các làng nghề nước mắm Nam Ô, bánh khô mè Cẩm Lệ, bánh tráng Túy Loan… những ngày này, dễ dàng cảm nhận không khí rộn ràng. Bận rộn, tất bật ngày đêm, người dân làng nghề làm việc không biết mệt với hy vọng về một cái Tết ấm no, đủ đầy hơn.

Người dân làng nghề khô mè Cẩm Lệ đóng gói sản phẩm chuyển đi các địa phương phục vụ Tết.
Người dân làng nghề khô mè Cẩm Lệ đóng gói sản phẩm chuyển đi các địa phương phục vụ Tết.

Tại làng nghề bánh khô mè Cẩm Lệ, hàng chục xưởng bánh ngày đêm đỏ lửa để kịp số lượng bánh phục vụ khách hàng vào Nam, ra Bắc. Sáng sớm, cửa hàng trưng bày và giới thiệu bánh khô mè của bà Nguyễn Thị Nhứt (200/5 Ông Ích Đường, quận Cẩm Lệ) tấp nập khách ra vào.

Bà Nhứt hớn hở khoe: “Năm nay, khách đặt hàng Tết nhiều hơn năm ngoái, chủ yếu là khách quen, đặt số lượng lớn để đem đi các tỉnh. Khách du lịch tìm đến cửa hàng và nhà xưởng để tham quan cũng đông hơn…”.

Để kịp làm bánh phục vụ Tết, bà Nhứt cũng như các lò bánh trong làng đều phải chuẩn bị nguyên liệu từ trước vài tháng và thuê thêm nhân công thời vụ, ngày công từ 120.000 - 150.000 đồng/người/ngày.
Theo các chủ lò bánh, khách bắt đầu đặt hàng nhiều vào giữa tháng 11 âm lịch.

Không chỉ phục vụ Tết Nguyên đán mà đây cũng là thời điểm mùa cưới hỏi và các lễ cúng cuối năm theo phong tục. Giá nguyên liệu làm bánh (gạo quê, nếp, mè…) tăng hơn so với mọi năm nhưng giá bánh bán ra tại các xưởng vẫn giữ nguyên, tùy loại bánh và khối lượng đóng gói từ 15.000 - 50.000 đồng/gói hoặc hộp.

Cũng giống làng bánh khô mè, các lò bánh tráng ở Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) những ngày này liên tục đỏ lửa. Theo khảo sát, năm nay, giá bánh khoảng 80.000 - 90.000 đồng/chục loại nhỏ và 140.000 - 150.000 đồng/chục loại lớn, tăng 10.000 - 15.000 đồng/chục (do nguyên liệu và than tăng giá) nhưng vẫn đắt khách.

Bà Trần Thị Luyện (thôn Túy Loan Tây 1) cho biết, từ đầu tháng 11 âm lịch, hầu như không tráng kịp bánh để bán. Khách chủ yếu mua với số lượng lớn để gửi đi các địa phương khác, thậm chí gửi ra nước ngoài. Mỗi ngày, những người làm bánh tráng như bà Luyện thức dậy từ 1 giờ sáng để pha bột, nhóm lò, tráng bánh và làm liên tục đến khoảng 10-11 giờ.

Bánh tiếp tục được xông bằng than cho đến khi khô. “Mỗi ngày chỉ làm được khoảng 160 cái. Thức khuya, dậy sớm mệt lắm nhưng vui vì bánh mình làm ra ngày càng được nhiều người thích”, bà Luyện bày tỏ.

Trong khi đó, với làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), những người làm nghề còn vui hơn khi thương hiệu nước nắm Nam Ô vừa được Ban tổ chức chương trình xây dựng quảng bá thương hiệu và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trao bằng chứng nhận sản phẩm “Đạt thương hiệu - sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng”.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô cho biết, mùa Tết này, cả làng sản xuất khoảng 100.000 lít nước mắm, tăng gần 30.000 lít so với năm ngoái. Đến thời điểm này đã tiêu thụ gần 60%, với giá bán 70.000 đồng/lít.  Ngoài những doanh nghiệp đặt hàng số lượng lớn, gần Tết, lượng khách lẻ mua làm quà hoặc về dùng cho gia đình cũng thường xuyên.

“Hiện nay, làng có 53 hộ làm nước mắm, tất cả các hộ này đều có kinh tế ổn định và khá giả”, ông Vinh cho biết thêm. Những ngày gần Tết, mùi thơm đặc biệt của nước mắm nhĩ cá cơm lan ra từng ngõ nhỏ. Đây là thời điểm bận rộn nhưng cũng mang lại niềm vui với những người làm nước mắm Nam Ô. Những giọt mắm tinh khiết từ cá cơm than được ủ cả năm, nay được chắt lọc, đóng chai, đóng hộp…, góp mặt trong những bữa cơm ngày Tết của nhiều gia đình.

Những ngày giáp Tết là thời điểm bận rộn nhất của những người làng nghề và cũng mang lại thu nhập cao nhất trong năm. Dù là bánh khô mè Cẩm Lệ, bánh tráng Túy Loan hay nước mắm Nam Ô…, mỗi người làm ra sản phẩm đều lấy chữ tín làm đầu. Giữ cách làm thủ công, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ đúng hương vị truyền thống của sản phẩm, những yếu tố ấy tạo nên tiếng thơm lan xa, mang về cái Tết ấm no cho người dân làng nghề.

Bài và ảnh: BÍCH THỦY

;
.
.
.
.
.
.