.

Hàn Quốc - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Đà Nẵng

.

Trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Đà Nẵng, Hàn Quốc là nhà đầu tư (NĐT) lớn nhất với 53 dự án, tổng vốn đầu tư trên 734 triệu USD, chiếm trên 21% tổng vốn FDI tại Đà Nẵng.

May xuất khẩu ở Công ty TNHH KAD Industrial S.A Việt Nam.
May xuất khẩu ở Công ty TNHH KAD Industrial S.A Việt Nam.

Trong đó, dự án có vốn đầu tư lớn nhất là Khu đô thị quốc tế Đa Phước, tại phường Thuận Phước và phường Thanh Bình, quận Hải Châu, có vốn đầu tư 250 triệu USD, đang lấn biển xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị…

Tiếp đó là dự án của Công ty TNHH Kreves Land Vina có vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, kinh doanh bất động sản, trung tâm thương mại, khu văn phòng, khu căn hộ, các dịch vụ vui chơi giải trí... tại khu vực Đông Nam Đài tưởng niệm thành phố, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu.

Một trong những dự án đang hoạt động khá hiệu quả là Lotte Mart Đà Nẵng, tại phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu; với số vốn trên 43 triệu USD, kinh doanh bán buôn và bán lẻ; sản xuất bánh ngọt, món ăn, thức ăn chế biến sẵn, chế biến bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt, chế biến thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản…

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đi vào hoạt động và đang có kết quả kinh doanh tốt như: Công ty TNHH MTV may mặc Tân Phát Lộc, Công ty TNHH Công nghiệp Daeryang Việt Nam, Công ty KAD Việt Nam TP, Chi nhánh Công ty TNHH Lotteria Việt Nam tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Xây dựng và Cơ điện DAEWON; Công ty TNHH Tri Dragon…

Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư vào Đà Nẵng đa dạng các lĩnh vực, từ kinh doanh bất động sản, thương mại, nhà ở, dịch vụ thể thao, may mặc, vận tải hàng hóa bằng đường bộ, cung cấp dịch vụ dịch thuật, phiên dịch, văn phòng đến sản xuất linh kiện ô-tô, xe máy, máy nông nghiệp, linh kiện điện tử, các loại thực phẩm, sửa chữa các thiết bị ngoại vi, sản phẩm phần mềm…

Số lượng và dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Đà Nẵng ngày càng gia tăng. Hiện nay, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc đã được ký kết, theo đó thuế quan đối với nhiều dòng sản phẩm giảm mạnh nên dự kiến càng ngày sẽ có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng.

Không chỉ chú trọng đầu tư vào thị trường Đà Nẵng, Hàn Quốc còn hướng đến việc đào tạo tiếng Hàn cho kỹ sư người Việt khi mới đây đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc và của Trường Đại học Dankook Hàn Quốc do ông Lee Kyu Hyung, Phó Hiệu trưởng Đại học Dankook, dẫn đầu đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của thành phố về việc đào tạo tiếng Hàn cho kỹ sư người Việt và tiếng Việt cho kỹ sư người Hàn tại Đà Nẵng để tháo gỡ những vướng mắc về ngôn ngữ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các tập đoàn của Hàn Quốc không ngừng mở rộng kinh doanh và tăng cường sự hiện diện sâu rộng ở thị trường Đà Nẵng.

Báo cáo của Văn phòng Cơ quan xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội cho biết Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lũy kế đến hết năm 2015 đạt 44,9 tỷ USD. Năm 2015 cũng là năm thứ 2 liên tiếp Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam với tổng số vốn đạt 6,7 tỷ USD.

Việt Nam cũng là thị trường đầu tư lớn thứ 4 của Hàn Quốc (sau Mỹ, Trung Quốc và Hong Kong) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc (sau Trung Quốc và Mỹ). Điều này cho thấy Hàn Quốc đang ngày càng trở thành đối tác đầu tư quan trọng không chỉ ở Đà Nẵng mà còn cả Việt Nam, với lý do không chỉ vì số lượng vốn lớn, mà còn vì vốn đầu tư từ quốc gia này đang hướng đúng vào mục tiêu chiến lược thu hút FDI của Việt Nam.

Mới đây trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố, Thường vụ Hiệp hội doanh nghiệp Việt - Hàn, Kim Yong Soo cho biết: Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng có những ưu điểm thuận lợi để các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư, đó là: Ổn định chính trị, dân số trẻ, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí đầu tư cũng rẻ hơn nhiều quốc gia trong khu vực do giá thuê đất, giá nhân công tương đối thấp, có tăng trưởng kinh tế tốt, thủ tục chính sách gọn nhẹ, văn hóa tương đồng; đồng thời có các hiệp định tự do thương mại đang kết nối với 55 quốc gia tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Á Thái Bình Dương.

Một trong những thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và Đà Nẵng là vừa qua Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố đã làm việc với các sở, ngành về việc nhận chuyển giao công nghệ cho ngành công nghiệp phụ trợ của Hàn Quốc ở các lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp ô-tô, công nghiệp dệt may, công nghiệp cơ khí cho các DN Đà Nẵng theo chương trình hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc.

Đây là bước đi chuẩn bị đón đầu làn sóng dịch chuyển hợp tác đầu tư từ các nước trên thế giới trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định thương mại khác. Trên cơ sở đó, các DN Hàn Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào Đà Nẵng với những dự án có tính chiến lược nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng thị trường và lao động địa phương.

Bài và ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.