.

Ngành công nghiệp trước thách thức 2016

.

Với 12 hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc kết thúc đàm phán trong năm 2015 và từ năm 2016, một số FTA có hiệu lực đặt ra những vấn đề đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Ngành công nghiệp thành phố có tính toán gì trước vận hội mới này?

Một dây chuyền sản xuất veston của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.
Một dây chuyền sản xuất veston của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.

Định hướng phải gắn với hội nhập

Để giúp các DN hội nhập và phát triển, mọi định hướng cũng như hoạt động của ngành công thương phải gắn với việc chuẩn bị tham gia hội nhập của các DN. Vì vậy, các nội dung trong hoạt động chủ yếu của ngành phải bao hàm các nội dung về hội nhập.

Thực ra, việc làm này cũng đã được ngành quan tâm và triển khai từ lâu. Năm 2015, Sở Công thương đã tổ chức hàng loạt các hội thảo, học tập về các FTA nói trên với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia, các nhà khoa học của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là chưa có sự đổi mới trong các cuộc hội thảo nên chưa thu hút được nhiều DN, các nhà quản lý tham gia. Theo thống kê của Bộ Công thương, có trên 90% DN chưa biết, chưa quan tâm đến các FTA này.

Hậu quả nhãn tiền là rất nhiều DN rất lúng túng, không định hướng được việc phát triển của mình trong những năm tới. Trong khi đó, ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia… đã tổ chức tuyên truyền, học tập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cho dân chúng từ lâu, nhiều trường đại học đã mở thêm khoa Tiếng Việt nhằm đào tạo một đội ngũ các chuyên gia biết và hiểu về tiếng Việt nhằm cung cấp nhân lực cho các DN khi AEC có hiệu lực.

Bằng chứng là, nhiều DN của các nước này đã tiếp cận, tìm hiểu về thị trường Việt Nam từ nhiều năm trước và chuẩn bị khá kỹ cho việc hội nhập, nhất là các DN của Thái Lan. Theo thống kê của ngành công thương, hiện các DN của Thái Lan đã nắm được một tỷ trọng khá về thị trường bán lẻ ở Việt Nam và một số lĩnh vực khác.

Vì vậy, đối với ngành công thương Đà Nẵng, năm 2016, ngoài các nhiệm vụ quan trọng khác thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các điều khoản của FTA nhằm hỗ trợ DN tìm hiểu các điều khoản, các rào cản kỹ thuật và luật pháp của các nước tham gia FTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở các điều khoản, các quy định và pháp luật của các nước tham gia, các DN sẽ tự định hướng, xây dựng kế hoạch phát triển DN và hội nhập.

Một số nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2016

Lãnh đạo Sở Công thương cho biết: Xác định năm 2016 rất quan trọng, mở đầu cho việc Việt Nam tham gia hội nhập sâu với các FTA đã được ký kết, sở đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2016. Trong đó có một số nhiệm vụ đáng quan tâm là: Tiếp tục hoàn thiện các đề án, chương trình, kế hoạch triển khai 3 đột phá về kinh tế-xã hội và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế thành phố giao cho ngành.

Trong đó, ưu tiên cho Đề án kết nối cung - cầu sản phẩm của DN trên địa bàn nhằm khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm của địa phương, trong nước và toàn cầu. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền với tần suất dày hơn và hiệu quả hơn về nội dung quy định mới của Trung ương và địa phương, các cam kết thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Trong đó phải đổi mới nội dung các hội nghị theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn nhằm thu hút được nhiều DN tham gia. Về công nghiệp, tiếp tục tham mưu chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Ưu tiên thúc đẩy đầu tư vào những dự án lớn, công nghệ cao, khuyến khích hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp triển khai thực hiện các công nghệ xử lý chất thải theo tiêu chuẩn quy định.

Trong đó, đặc biệt ưu tiên đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Trước mắt, tập trung và có chính sách hỗ trợ các ngành chế biến nông sản, sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt-may, da giày.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, bằng giải pháp thúc đẩy các chợ truyền thống, xây dựng văn minh thương mại, khai thác ổn định và kinh doanh có hiệu quả trong bối cảnh các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn, điểm bán hàng ngày càng nhiều trên địa bàn thành phố và phát triển thương mại điện tử.

Hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và nắm bắt các cơ hội tại thị trường nội địa. Theo đó, năm 2016, công tác xúc tiến thương mại tập trung vào các thị trường Việt Nam đã ký FTA và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó tập trung hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.