.

Kiểm soát thịt "bẩn"

.

Hiện nay, nhu cầu sản xuất, chế biến thực phẩm gia súc, gia cầm phục vụ Tết Nguyên đán đang tăng cao, trong khi chất lượng nguồn thịt cung cấp cho thị trường chưa ổn định. Trước nỗi lo của người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm của mình.

Để có nguồn thịt bảo đảm, phải có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Để có nguồn thịt bảo đảm, phải có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Thị trường tiêu thụ thịt lớn

Có thể nói, Đà Nẵng là thị trường lớn tiêu thụ thực phẩm thịt gia súc, gia cầm. Theo số liệu thống kê, mỗi ngày đêm, 8 lò mổ tập trung trên địa bàn giết mổ khoảng 1.350 con heo, 80-90 con bò, 3.000 - 5.000 con gà, vịt. Đó là chưa kể số lượng gia súc, gia cầm giết mổ tự phát ở các khu dân cư không được cấp phép hay nguồn thịt đã sơ chế ở các tỉnh, thành khác đổ về.

Riêng thịt nhập khẩu nước ngoài về Đà Nẵng mỗi năm tăng mạnh. Cụ thể, năm 2015 có khoảng 10.000 tấn, chủ yếu thịt gà, heo, trâu, bò, cừu, tăng hơn 30% so với năm 2014. Dự báo trong 2 tháng đầu năm 2016, con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Vấn đề đáng lo ngại nhất là công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thịt, nhất là khi nguồn thịt ngoại tỉnh chiếm tới 90-95% trên thị trường Đà Nẵng. Chỉ trong tháng 12-2015, Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Chi cục Thú y thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế đã bắt quả tang nhiều vụ vận chuyển, mua bán, chế biến thịt và phụ phẩm, nội tạng gia súc, gia cầm không bảo đảm an toàn chất lượng.

Đơn cử như vụ bắt quả tang một cơ sở chế biến mỡ bẩn tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) ngày 14-12; vụ vận chuyển nửa tấn thịt heo thối trên xe khách BKS 77B-004... từ Bình Định ra Đà Nẵng ngày 22-12; vụ chở 13 thùng xốp chứa hơn 300kg nội tạng động vật bốc mùi hôi thối của xe tải BKS 43S-7422 lưu thông từ Huế vào Đà Nẵng ngày 28-12...

Mới đây, ngày 3-1, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện xe khách do tài xế ở Phú Xuyên (Hà Nội) vận chuyển 800kg nội tạng, chân bò không có giấy tờ chứng nhận kiểm dịch vào Đà Nẵng tiêu thụ.

Đây là những vụ việc đáng báo động về nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe trực tiếp đến con người.

Cần tăng cường kiểm soát

Theo ngành nông nghiệp, chăn nuôi tại Đà Nẵng còn nhỏ lẻ, không đủ đáp ứng nhu cầu tại chỗ, do đó phải phụ thuộc vào nguồn thịt gia súc, gia cầm chủ yếu từ Bình Định, Quảng Ngãi và cả nước. Rõ ràng, qua những vụ việc đã nêu, người dân có quyền đòi hỏi phía cơ quan quản lý Nhà nước phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những mối lo về sức khỏe.

Thực tế qua khảo sát tại một số chợ trên địa bàn thành phố cho thấy, nhiều tiểu thương không dám khẳng định thịt heo, bò mình đang bán có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hay không, mà thường trấn an với người mua bằng những lời nói bảo đảm để bán được hàng.

Theo ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố, hiện nguồn thịt từ các nơi về Đà Nẵng đều được kiểm duyệt chặt chẽ thông qua giấy kiểm dịch. Cụ thể là việc kiểm đếm số lượng gia súc, gia cầm đăng ký về lò mổ nào thì phải về lò đó, chứ không về Đà Nẵng chung chung như trước đây.

Người đưa gia súc, gia cầm về Đà Nẵng qua các trạm kiểm dịch phải trình đủ giấy tờ mới tiếp tục được cấp giấy phúc kiểm tại chỗ. Sau đó, cuối ngày cán bộ thú y lại đi giám sát giấy tờ đối chiếu từ nơi nuôi nhốt đến lò mổ cho đến khi xuất hàng.

Mặc dù vậy, để thu lợi bất chính, các đối tượng buôn bán, kinh doanh đều có những “ngón nghề” gian lận nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Một số cán bộ thú y cho biết, các chủ làm ăn lớn, lâu năm, nguồn thịt từ trang trại đến đầu nậu đều rất rõ ràng, nhưng hộ làm ăn nhỏ lẻ, tự phát không có giấy phép thường lén lút trà trộn hàng không rõ nguồn gốc để dễ kiếm lời.

Đặc biệt, đối với các chợ nhỏ, chợ khu công nghiệp, các loại thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm dịch vẫn bày bán tràn lan mà không thể kiểm soát hết. Ngoài ra, quy định về việc vận chuyển heo, bò dưới 10 con; gà, vịt dưới 50 con không phải trình giấy tờ cũng là kẽ hở để nguồn thực phẩm kém chất lượng tuồn vào nhà hàng, quán ăn…

Một khó khăn nữa trong kiểm soát thịt các loại là sự phân cấp chồng chéo giữa các bộ, ngành như Nông nghiệp và phát triển nông thôn có nhiệm vụ quản lý từ khâu xuất-nhập, giết mổ; còn ngành công thương chịu trách nhiệm ở khâu lưu thông, vận chuyển; ngành y tế bảo đảm khâu lên bàn ăn... Nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, chắc chắn người tiêu dùng vẫn phải thắc thỏm, bất an trước bữa cơm hằng ngày.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.