.

Quản lý PCB: Cần nghiêm ngặt từ cơ sở

.

Đà Nẵng hiện có 3 máy biến áp tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (ĐLĐN) có chứa PCB. Hiện, 3 máy này đã được lưu giữ tại nhà kho riêng biệt và dán nhãn cảnh báo nhiễm PCB, song, vẫn tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ gây ảnh hưởng môi trường và sức khỏe của người dân.

Thủ kho của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (bìa phải) giới thiệu về nơi lưu giữ  3 máy biến áp có chứa PCB.
Thủ kho của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (bìa phải) giới thiệu về nơi lưu giữ 3 máy biến áp có chứa PCB.

Nguy cơ rò rỉ PCB từ máy biến áp

Theo các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, PCB là 1 trong 21 nhóm chất của chất hữu cơ khó phân hủy (POP) quy định trong Công ước Stockholm. Loại chất này có thể gây tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người.

Việt Nam tuy không sản xuất PCB, nhưng đang tồn tại hàng chục nghìn tấn dầu có khả năng chứa PCB do nhập khẩu dầu chứa PCB chủ yếu dưới dạng dầu cách điện trong các thiết bị điện như máy biến áp và tụ điện. Với đặc thù của một ngành công nghiệp sử dụng nhiều dầu cách điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong những đơn vị trực tiếp phải đối mặt với vấn đề quản lý an toàn PCB.

Tại ĐLĐN, qua kiểm tra 105 máy biến áp, 18 máy cắt điện, đã phát hiện ra 3 máy biến áp có chứa PCB. Công ty đã dán nhãn cảnh báo nhiễm PCB và cho xây dựng nhà kho riêng biệt (kho kín có mái che, có hệ thống thu gom dầu tràn khi sự cố, được trang bị đầy đủ các bảng cảnh báo, sổ theo dõi tình hình kiểm tra kho định kỳ và hệ thống phòng cháy chữa cháy đảm bảo đúng quy định về bảo vệ môi trường để lưu giữ 3 máy biến áp này).

Ông Phạm Nam Hải, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn ĐLĐN cho biết: “Công tác quản lý và bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác quản lý PCB luôn được công ty thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước, ngành điện.

ĐLĐN đã phân công bộ phận quản lý bảo vệ môi trường, từng bước cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động cho cán bộ, công nhân viên; kịp thời phát hiện và loại trừ ngay các yếu tố nguy hiểm có hại và tác động gây ô nhiễm môi trường, tác động gây bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có cơ sở có khả năng xử lý PCB, nên các đơn vị khi phát hiện dầu chứa PCB vẫn phải lưu giữ tại đơn vị mình rất nguy hiểm”.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền

Tại Việt Nam tuy không còn nhập khẩu dầu hay thiết bị chứa PCB, song việc nhận biết, xác định, quản lý và tiêu hủy an toàn thiết bị, dầu và chất thải chứa PCB đang sử dụng hoặc đã thải bỏ còn gặp nhiều khó khăn.

Phương pháp chủ yếu là lưu giữ tại đơn vị khi được thay thế và thải bỏ, gây ra một số nguy hiểm tiềm ẩn như cháy nổ, rò rỉ, phát tán ra môi trường nếu quản lý không an toàn.

Mặt khác, do vấn đề về nhận thức, ý thức chưa cao, việc quản lý dầu thải, trong đó có cả dầu biến thế thải, tại nhiều cơ sở, doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa thật sự an toàn, chặt chẽ, gây tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam”, công tác quản lý PCB là một quá trình nhiều thách thức. Vì vậy, cần tăng cường công tác truyền thông đến các nhà quản lý, các chủ nguồn thải và các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền sâu rộng về PCB.

Song song, xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh về quản lý PCB để đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý an toàn dầu, thiết bị chứa PCB, tiến tới loại bỏ hoàn toàn PCB theo đúng lộ trình đã cam kết.

“Một trong những khó khăn khi xử lý và tiêu hủy PCB là Nhà nước chưa có những quy định pháp luật cụ thể để xử lý PCB. Hơn nữa, mức độ hiểu biết về PCB trong cán bộ, công nhân chưa đồng đều nên chúng tôi chỉ biết quản lý nghiêm ngặt và truyền đạt các kiến thức về PCB cho cán bộ, công nhân viên qua các lớp tập huấn để họ biết và ngăn ngừa”, ông Nguyễn Bình Phương, chuyên viên Phòng An toàn, ĐLĐN cho biết thêm.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.