.

Nhiều cơ hội việc làm cuối năm

.

Cuối năm là thời điểm các đơn vị nhận thêm nhiều đơn hàng nên nhu cầu tuyển dụng khá lớn, tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động.

Người lao động cần thận trọng khi tìm việc dịp cuối năm. Trong ảnh: Một phiên giao dịch việc làm tại quận Liên Chiểu.
Người lao động cần thận trọng khi tìm việc dịp cuối năm. Trong ảnh: Một phiên giao dịch việc làm tại quận Liên Chiểu.

Đua nhau rao tuyển

Những ngày này, tại Khu công nghiệp (KCN) An Đồn, quận Sơn Trà, các dây chuyền sản xuất của Công ty CP sản xuất thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng chạy hết công suất. Nếu vào thời điểm này năm ngoái, công ty chỉ có 2.000 lao động thì hiện đơn vị có 3.000 lao động. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Hồ Minh Tùng, kế toán trưởng công ty thì đơn vị vẫn phải cần khoảng 500 lao động nữa mới đủ sản xuất hàng vào dịp cuối năm. “Năm nay, số đơn hàng của chúng tôi tăng khoảng 20-30%, nên luôn cần tuyển nhiều lao động để kịp giao hàng trước Tết. Số lượng lao động tại công ty hiện nay dù có biến động nhưng ít hơn so với mọi năm”, ông Tùng nói.

Tại KCN Hòa Khánh, hoạt động tuyển dụng cũng khá nhộn nhịp, nhiều công ty đang rao tuyển với số lượng lao động lớn, chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Đi loanh quanh để chờ nộp đơn tìm việc, chị Nguyễn Thu Thủy (31 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Trước tôi làm ở một công ty may tại quận Thanh Khê rồi về quê sinh con nên nghỉ việc. Giờ tôi muốn đăng ký vào một công ty may hoặc sản xuất đồ chơi. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tuyển nhiều nên còn cân nhắc mức lương và các chế độ khác”.

Với số lượng tuyển lên đến 1.000 lao động nữ, ngoài giới hạn tuổi từ 20-35, Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng không yêu cầu gì về trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc ngành nghề. Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (KCN Thủy sản Thọ Quang) hiện cũng tuyển khoảng 500 lao động. Đây là một trong những đơn vị lớn hoạt động trong ngành thủy sản, chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu thủy sản (năm 2012) của cả thành phố. Mức lương bình quân của công ty cũng khá hấp dẫn, khoảng 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn có thêm nhiều chế độ đãi ngộ khác. Chẳng hạn, lao động là bà mẹ có con dưới 6 tuổi được công ty trợ cấp thường xuyên 200.000 đồng/tháng. Lao động ngoại tỉnh nếu không thuê được nhà, công ty còn tạo điều kiện về nơi ở không thu tiền (kể cả tiền điện, nước). Những công nhân thuê nhà ở ngoài được đơn vị hỗ trợ 200.000 đồng/tháng…

Cần thận trọng

Phiên giao dịch việc làm vừa qua do Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng (Trung tâm) tổ chức được xem là có số lượng lao động cần tuyển vượt hơn nhiều so với trước đó. Nếu phiên giao dịch trước đó, các doanh nghiệp chỉ có nhu cầu tuyển khoảng hơn 800 lao động thì ở phiên này số lao động cần tuyển lên đến gần 2.000 lao động. Điều này cho thấy nhu cầu lao động, nhất là lao động phổ thông là rất lớn. Nộp đơn cùng một lúc 2 doanh nghiệp, anh Lê Thanh Hải (35 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ngãi) thổ lộ: “Tôi vừa nghỉ việc ở công ty cũ do môi trường làm việc không tốt. Tôi muốn tìm một công việc mới phù hợp và mức lương khá hơn”.

Trên khắp các trang mạng như: www.timviecnhanh.com, www.careerlink.vn, vieclamdanang.net... hiện cũng nhộn nhịp các thông tin rao tuyển, chủ yếu là các công việc thời vụ như: nhân viên thiết kế đồ họa, nhân viên phục vụ nhà hàng, nhân viên bán hàng, nhân viên trực tổng đài Viettel… với mức thù lao hấp dẫn.

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, người lao động sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn, nhất là trong hai tháng 11 và 12. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm: “Người lao động nếu đang có việc làm ổn định thì không nên nghỉ việc hoặc “nhảy việc” trong thời gian này để không bị mất quyền lợi, như: lương, thưởng Tết trong dịp cuối năm”.

Theo nhiều cán bộ trong ngành LĐ-TB&XH, dù công việc tạm thời nhưng cũng cần phải tìm hiểu kỹ trước khi làm việc, tránh tình trạng vừa vào làm đã bỏ việc, tốn công sức và thời gian. Người lao động cần nghiên cứu tính chất đặc thù của công việc, phải có sự thỏa thuận trao đổi rõ ràng với chủ sử dụng lao động, tránh tình trạng bị bóc lột do chưa có sự thỏa thuận trước, để đến khi mâu thuẫn xảy ra phần thiệt luôn thuộc về người lao động.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.