.
Phòng chống cúm A/H1N1

“Thượng đế” thờ ơ, doanh nghiệp lo!

.

Trong khi virus cúm có thể không từ một ai, thì các “thượng đế” của ngành Du lịch lại tỏ ra khá thờ ơ với những biện pháp phòng chống dịch được các doanh nghiệp (DN) du lịch đưa ra.

Khách du lịch ngại đeo khẩu trang
 

Hầu hết khách du lịch đều chưa “chịu” mang khẩu trang phòng cúm khi đến những nơi đông người.

“Ban đầu các nhân viên được khách sạn khuyến cáo đeo khẩu trang phòng cúm, nhưng khách không đeo mà mình lại đeo, thấy kỳ quá nên chẳng ai đeo nữa”, nhân viên một khách sạn 4 sao phàn nàn. Cũng vì lý do lịch sự với “thượng đế”, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho hay, dù nhân viên bảo tàng đã được trang bị nhiều khẩu trang y tế, nơi này vẫn đang cân nhắc có nên đôn đốc nhân viên bán vé – bộ phận tiếp xúc với khách nhiều nhất – đeo khẩu trang 24/24 giờ hay không.

Ông Thắng nói: “Chúng tôi vẫn chủ động phòng chống tối đa, nhưng không hoang mang. Du khách tới đây trước hết để thưởng thức. Bởi vậy, trong khi Đà Nẵng chưa phải là nơi dịch cúm lan tỏa mạnh, mình lại đeo khẩu trang ráo riết sẽ gây ra cảm giác e ngại cho khách và ấn tượng không tốt. Hơn nữa, nếu đeo khẩu trang, thuyết minh viên làm sao hướng dẫn khách”.

Ông VŨ THẾ BÌNH, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch): “Không có gì phải lo ngại”

Phía Việt Nam đã sẵn sàng các biện pháp phòng chống cúm, vẫn đón đưa khách bình thường. Khách du lịch cũng là những người hiểu biết, tức họ có thể tự phòng bị cho mình. Có thể nay xuất hiện dịch này, mai xuất hiện dịch kia, đó là điều bình thường trong đời sống xã hội. Và du lịch buộc phải chung sống với tất cả các biến cố đó. Nhưng chúng tôi nhấn mạnh, các DN kinh doanh du lịch phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa mà Nhà nước quy định. DN nào không đủ năng lực phòng chống cúm thì nên đóng cửa là hơn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, du khách vẫn tập trung đông, và “đeo khẩu trang” là điều khá hy hữu.

Doanh nghiệp: Phun thuốc khử trùng, phát khẩu trang miễn phí

Tuy cho rằng “không nên hoang mang”, nhưng các cơ sở du lịch vẫn triển khai các biện pháp phòng chống cúm. Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, Sở đã chỉ đạo các DN kinh doanh du lịch thành lập các tiểu ban phòng chống cúm theo các biện pháp mà ngành Y tế yêu cầu.

Theo một nhân viên của Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, đã có khoảng 4 khách sạn đề nghị phun thuốc khử trùng. Bảo tàng Điêu khắc Chăm, nơi thường tập trung rất đông khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, đã nhanh chóng khử trùng các khu nhà vệ sinh và tăng cường các loại xà phòng diệt khuẩn cho khách rửa tay.
 
Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, đã chuẩn bị 500 khẩu trang y tế và sẵn sàng khuyến khích nhân viên, du khách cùng mang khẩu trang khi có chủ trương của ngành Y tế.
 

Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng phun thuốc khử trùng tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm ngày 21-8.

 

Ông Amir Ahmad Mohamad, Tổng quản lý KS Hoàng Anh Gia Lai nói, việc phát hiện người nhiễm cúm rất khó vì khách sạn không có máy đo thân nhiệt, nhưng nhân viên khách sạn cũng chú ý đặc biệt đến các khách hàng đến từ các vùng nhiễm dịch nặng. Ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường của khách, bác sĩ của khách sạn sẽ khám, tư vấn và chuyển đến các bệnh viện dành cho bệnh nhân nghi nhiễm cúm nếu cần thiết.

Dù nhiều nơi không thống kê được việc sụt giảm lượng khách quốc tế trong thời gian qua là do cúm hay do suy thoái kinh tế, thì ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) vẫn dẫn chứng: “Rất nhiều trường hợp hủy tour, lùi tour vì sợ ảnh hưởng sức khỏe”. Vì e ngại dịch cúm sẽ còn kéo dài phức tạp, ông cho rằng: “Mỗi DN phải tự ứng biến, phát miễn phí khẩu trang và cách ly ngay các trường hợp nghi nhiễm, để bảo toàn sức khỏe và không gây hoang mang cho những người trong đoàn”.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.