.

Liệu cơm, gắp mắm...

.

Cắt giảm điện sinh hoạt, ngưng mua những thứ không cần thiết, tính toán kỹ khi đi mua sắm... là những việc đang được nhiều người thực thi trong lúc giá cả leo thang.

“Một ngày tiết kiệm”
(Qua lời chị Trần Thị Hoài Thơ (27 tuổi, nhân viên PR – Công ty Quảng cáo Động lực)

9 giờ 30 sáng, nhiều hàng quán ở chợ Cồn vẫn ít người đến mua.

Hơn một tháng nay, ngày nào tôi cũng phải lên kế hoạch “đi đâu, làm gì trong ngày”, để sắp xếp đường đi thật hợp lý cho khỏi tốn xăng. Về nhà, tôi cố gắng cắt giảm mọi thứ có thể. Dồn áo quần bẩn cho vào máy giặt một lần, ủi nhiều bộ áo quần cùng lúc, thôi không dùng đèn ngủ. Đi chợ, đi siêu thị mua đồ, tôi lựa cái nào có giá vừa phải chứ không mua xả láng như trước.

Chẳng hạn: khi mua nước mắm, tôi mua nhiều loại với nhiều giá tiền khác nhau (để nêm nếm, làm nước chấm), dầu gội, xà phòng... thì cân nhắc loại giá vừa, chất lượng kha khá là được. Về khoản áo quần, tôi giảm tới 60%, nước xả vải thì cắt hẳn. Tôi cũng bớt những buổi ngồi cà-phê, la cà hàng quán, và thường “nhắm” đến những chốn vui chơi không tốn tiền như bãi biển, công viên... Giá tăng hoài hoài, mà lương vẫn như cũ, chi tiêu phải eo hẹp. Tính ra, một tháng tôi giảm được khoảng 15% chi phí, nhưng xem ra vẫn chưa thấm vào đâu, chắc phải tính toán chặt chẽ hơn chút nữa.

Tiết kiệm! Tiết kiệm đi!

Tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu đã không còn là chuyện của riêng một ai, nhất là khi giá cả hàng hóa thường đứng ở mức cao. Nhiều người buôn bán hàng rong ở chợ Cồn cho biết, họ đã cắt giảm tới gần 50% chi phí sinh hoạt gia đình mới vừa với khoản thu nhập ít ỏi từ gánh hàng của mình. Họ so sánh, trước đây chỉ với 30.000 đồng mỗi ngày, cả gia đình 4 người có thể ăn uống đầy đủ, nay phải 50.000 đồng mới tạm no.

Trong giỏ đi chợ của nhiều bà nội trợ, rau chiếm “ưu thế”, thịt cá bớt lại.

Tuy nhiên, trong khẩu phần ăn, rau chiếm “ưu thế” vượt trội, để bù vào khoản thiếu hụt thịt, cá. Gia đình họ cũng hạn chế ăn vặt, tắt những đèn điện không cần thiết, đong gạo nấu cơm vừa ăn để không bị thừa cơm sau bữa ăn, dẫn tới ôi thiu phí phạm. Bà Nguyễn Thị Bốn (Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) trước đây thường dùng dầu lửa để nhóm bếp củi, nay chỉ để dành dầu thắp đèn mỗi khi cúp điện, chứ không “chơi sang” nữa.

Bà con giảm mua, nhà buôn tiu nghỉu

Tiểu thương ở các chợ phải công nhận: “Sức mua trong mấy tháng nay giảm tới 30%, buôn bán ế ẩm”. Bà Nguyễn Thị Xèn, bán hàng bánh kẹo chợ Cồn giải thích: “Giá cao, người tiêu dùng bớt mua. Hơn nữa, sắp vào học, cha mẹ để tiền lo cho con tựu trường chứ đâu có mua bánh kẹo ăn vặt”. Bà Phạm Thị Ba, kinh doanh rau củ ở chợ Hàn cũng lắc đầu: “Hồi trước chợ ni đông lắm, chừ cô thấy đó, người mua không bao nhiêu”.

Người tiêu dùng cân nhắc, đắn đo nhiều hơn khi chọn mua hàng. Theo chị Nguyễn Thị Hồng, kinh doanh gạo - ngũ cốc ở chợ Cồn: “Rất khó bán vì người mua cứ lòng vòng, dọ giá suốt, ở đâu bán rẻ hơn chút là họ mua, chứ không hỏi rồi mua liền liền như mấy bữa”. Dù giá sản phẩm từ nhà cung cấp cứ nhích dần, nhà buôn vẫn không dám nương theo đó mà tăng giá.
 
Bà Xèn cho rằng, việc lên giá là bất đắc dĩ, và nhiều người vẫn luôn cố ghìm giá ở mức thấp nhất có thể: “Đồng vốn lên hoài mà đồng lời thì ít lại. Tụi tui phải giảm lời, chẳng hạn như lúc trước mua 1 đồng, bán 2 đồng, bây giờ mua 2 đồng chỉ bán 2 đồng rưỡi, rứa thì khách hàng mới chịu mua. Tình hình chung, ai cũng như nhau, biết làm răng chừ”, bà Xèn nói.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.