Nghĩ về kinh tế đêm Đà Nẵng

.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nếu có dịp dạo quanh các đường phố về đêm, nhất là khu vực mới phát triển bên phía bờ đông sông Hàn, có lẽ ai cũng sẽ cảm nhận rõ hơn cuộc sống ban đêm của Đà Nẵng. Gần đây, báo chí bàn luận nhiều về kinh tế đêm. Từ những đề án nhỏ lẻ về quy hoạch chợ đêm, khu phố ẩm thực đêm, hoặc những giải pháp tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đêm cho du khách… đã nâng lên thành những chủ trương lớn về vấn đề kinh tế đêm.

Ngày 28-9-2020, UBND thành phố cũng đã ra quyết định ban hành đề án “Phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng”. Tháng 7-2023, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng ban hành đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” với những nội dung chủ yếu vừa có tính định hướng vừa có những hướng dẫn khá cụ thể nhằm triển khai thực hiện kinh tế - du lịch đêm trên địa bàn cả nước, nhất là những đô thị lớn.

Nhưng có lẽ, những vấn đề về kinh tế đêm mà chúng ta quan tâm lâu nay hình như vẫn nặng về lĩnh vực dịch vụ, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của khách du lịch, tất nhiên không chỉ hưởng thụ vật chất mà cả những giá trị tinh thần của một địa phương nào đó. Qua tham khảo một số dự án thương mại - du lịch, có thể thấy nhiều nội dung, giải pháp tập trung những vấn đề như xây dựng thêm những khu phố ẩm thực đêm, những chợ đêm, những sàn diễn nghệ thuật đêm v.v… Đó là những vấn đề rất cần thiết, cấp thiết, và có thể nói, chỉ cần thực hiện thật tốt những nhiệm vụ như vậy cũng đã làm nên những thành quả ấn tượng trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ, tạo cho cả nước nói chung và thành phố chúng ta nói riêng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Nhưng phải chăng, với tư tưởng làm ăn lớn trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa, với yêu cầu kết nối giữa các nền kinh tế, vấn đề chỉ dừng lại ở những quan niệm và đề án như vậy? Có lẽ đã đến lúc khái niệm kinh tế đêm/kinh tế ban đêm phải được hiểu không chỉ là hệ thống những hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ của khách du lịch, mà kinh tế đêm, và nói rộng ra là cuộc sống thành phố về đêm, còn bao gồm những hoạt động của một bộ phận nền kinh tế thành phố để giải quyết, ứng phó nhạy bén với những vấn đề phát sinh trong giao dịch kinh tế với đối tác toàn cầu, một khi chúng ta đã thực sự hội nhập, hòa nhập với kinh tế thế giới. Điều đó có nghĩa, do đòi hỏi của hội nhập, do tính chất cập nhật- có thể tính bằng phút, bằng giây - của thông tin kinh tế; và cũng do vị trí địa lý của từng quốc gia, sự khống chế của múi giờ, con người phải có những thay đổi để thích ứng.

Để cụ thể hóa cho suy nghĩ này, xin trích ra đây một đoạn văn khá thú vị trong cuốn sách hút khách vài năm gần đây, cuốn Cà phê cùng Tony của tác giả có bút danh Tony Buổi sáng. Bằng một văn phong hóm hỉnh, nhưng tác giả đã cho ta hình dung một góc của hoạt động kinh tế đêm ở đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, một mô hình thành công của kinh tế Trung Quốc: “Theo chân anh bạn, 8 giờ tối lái xe đến 1 tòa nhà cao tầng ở trung tâm, bắt đầu công sở. 12 giờ đêm thì nghỉ, ra phố ăn khuya, 1 giờ 30 sáng vô lại. Cả mấy trăm văn phòng trong tòa nhà đều nhộn nhịp nên không ai nghĩ đây là ban đêm. Các nhà máy giày dép, quần áo, đồ chơi, điện thoại, điện tử…vẫn làm 3 ca, nên giao dịch, email, điện thoại rôm rả...

Bên Mỹ email qua một cái, bên này trả lời, báo giá liền. Nên họ lấy hết các đơn hàng, còn mấy đối thủ cạnh tranh như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Cambodia…thì lúc đó mắc ngủ, ngày hôm sau mới trả lời, rồi tối hôm sau bên Mỹ mới trả lời lại, rồi ngày hôm sau nữa mới nhận được thông tin, nên gút hợp đồng rất khó... Ở các văn phòng 24 giờ này, nửa đêm vẫn gọi dịch vụ DHL, Fedex tới giao nhận chứng từ, hàng mẫu. Ngân hàng vẫn mở cửa để rút tiền, thanh toán bộ chứng từ. Vẫn bốc dỡ hàng và làm thủ tục hải quan ở cảng. Xe tải và container vẫn chạy rầm rập trên đường… Mọi người vẫn hẹn nhau gặp gỡ, cà phê lúc 3 giờ sáng để bàn công việc, và rủ nhau đi nhậu sau giờ làm, tức 6 giờ sáng. Có vũ trường mở cửa lúc 10 giờ sáng cho đối tượng này, đông nghịt người. Tới 2 giờ chiều thì đóng cửa vì “khuya” quá rồi, phải về nghỉ để tối lại đi làm”.

Trích dẫn như vậy, để thấy hết cái điều mà tác giả định nói: phải chăng đâu đó đã hình thành một nền kinh tế ban đêm hoạt động như kinh tế ban ngày?  Tất nhiên không phải tất cả đều “thức đêm thức hôm” vất vả như vậy. Nhưng rõ ràng là sẽ đến lúc có một bộ phận chuyên gia, chuyên viên kinh tế, những người lao động đặc thù nhận lãnh trách nhiệm sống cùng nhịp sống nhân loại về đêm. Không gian hoạt động của kinh tế đêm Đà Nẵng trong tương lai sẽ không chỉ là cảnh sầm uất ở những khu mua sắm, khu phố ẩm thực đêm với hàng trăm, hàng ngàn du khách mua sắm, thưởng ngoạn cảnh đêm, mà có cả những nỗ lực của những con người hoạt động “âm thầm” trong những phòng điều hòa khép kín. Trong thế giới hiện đại ngày nay, theo các chuyên gia, kinh tế đêm không gói gọn trong các khu chợ đêm hay những tuyến phố đi bộ mà còn hàng loạt dịch vụ khác như dịch vụ vận tải, tài chính, thương mại…

Đà Nẵng được xác định đến năm 2030 sẽ trở thành “một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…” như Nghị quyết số 43 NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị nêu rõ. Tháng 3-2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Đà Nẵng nghiên cứu, lập đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực.

Để trở thành trung tâm tài chính khu vực, một vấn đề không thể không tính đến, đó là những giao dịch tài chính xuyên quốc gia bất chấp những trở ngại do đặc thù múi giờ khác nhau. Mặc dù hiện tại chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để “luật hóa” những hoạt động kinh tế ban đêm theo nghĩa rộng như đã nêu trên, nhưng Đà Nẵng phấn đấu đi đầu cho những đề án lớn về hoạt động kinh tế - xã hội về đêm của thành phố. Phải chăng đây cũng là một cách “đi tắt đón đầu” của chúng ta trong bước đi mới của tiến trình hội nhập.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.