Giữ sạch nguồn nước sinh hoạt

.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh với tư cách là Trưởng Ban điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng (gọi tắt là Ban điều phối), vừa ký văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá, phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Trong đó, văn bản nêu rõ: Công tác quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn đứng trước các thách thức về tình trạng phát triển kinh tế - xã hội, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tự làm sạch của sông.

Mặt khác, các hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế đang diễn ra trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng, dẫn đến làm giảm chức năng và sức sống của lưu vực, trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong tương lai.

Đồng thời, Ban điều phối cũng cho rằng, việc đánh giá, phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết...

Trước đó, vào tháng 9-2019, sau kiến nghị của chính quyền thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất di dời dự án lò đốt rác thải xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc), giao UBND huyện Đại Lộc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam khảo sát, tìm vị trí mới phù hợp.

Đây là một động thái tích cực trong việc phối hợp bảo đảm môi trường của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nói chung, bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp cho sản xuất nước sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Bởi, theo như kiến nghị của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), dự án nếu triển khai ở vị trí này như phê duyệt ban đầu, trong quá trình hoạt động sẽ phát sinh các vấn đề, như: khí thải, mùi hôi, nước thải sau xử lý rác, nước rỉ rác... gây ảnh hưởng đến nguồn nước sông Yên.

Hơn nữa, vị trí xây dựng dự án lò đốt rác thải sinh hoạt Đại Nghĩa cách xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) và đập dâng An Trạch chỉ 4km nên mức độ ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn nước sông hiện đang cung cấp cho hơn 1 triệu người dân thành phố Đà Nẵng là rất lớn.

Một vấn đề cũng đáng quan tâm về môi trường tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, chính là việc khai thác khoáng sản, nhất là khai thác vàng sa khoáng trái phép tại khu vực đầu nguồn, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Sau khi có thông tin về việc khai thác vàng sa khoáng tại khe 39, xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) vào tháng 10-2019, Dawaco tiến hành lấy mẫu nước tại đầu nguồn sông Vu Gia, Đăk Mi để kiểm tra.

Kết quả kiểm nghiệm các mẫu nước tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (QUATEST 2) sau đó cho thấy, chất lượng nguồn nước sông Vu Gia và Cầu Đỏ vẫn an toàn cho mục đích khai thác nước mặt để phục vụ sinh hoạt, ăn uống. Tuy nhiên, người dân vẫn lo lắng về tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chất lượng nguồn nước khi sự cố xảy ra.

Liên quan đến vấn đề bảo đảm nguồn nước khai thác cho sinh hoạt của thành phố, hiện nay, các lực lượng chức năng của huyện Hòa Vang và xã Hòa Bắc kiểm tra thực tế tiểu khu 27 và 29 thuộc khu vực Khe Đương (xã Hòa Bắc) để có báo cáo đề xuất UBND thành phố xử lý tình trạng khai thác vàng trái phép tại đây.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đà Nẵng, người dân trong thôn Tà Lang phản ánh bức xúc vì tình trạng khai thác vàng trái phép ở khu vực Khe Đương tồn tại nhiều năm qua. Đặc biệt, người dân trong thôn rất bất an về nguồn nước ăn, uống, sinh hoạt vì lo sợ bị ô nhiễm chất độc hại từ hoạt động khai thác vàng như: cyanur, thủy ngân...

Nhưng vấn đề là không chỉ nỗi lo ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân thôn Tà Lang của xã Hòa Bắc, mà về lâu dài, nếu không có biện pháp căn cơ, thì việc ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước khai thác phục vụ cho Nhà máy nước Hòa Liên trong tương lai; bởi nước từ khu vực này sẽ dẫn đến sông Nam, hòa với sông Bắc để vào sông Cu Đê - nơi cung cấp nguồn nước chính cho Nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000m3/ngày đêm, được khởi công vào tháng 3-2020 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2021.

Đồng thời, về căn cơ, thành phố cần nghiên cứu việc tiếp tục triển khai khai thác khoáng sản vàng gốc bằng phương pháp hầm lò tại Khe Đương (xã Hòa Bắc) đã cấp phép từ năm 2018 cho một doanh nghiệp hay không. Trong 3 năm qua, doanh nghiệp này chưa có động thái gì trong việc khai thác; nhưng nếu khai thác, có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước của Nhà máy nước Hòa Liên trong tương lai gần.

Đặc biệt, nếu Nhà máy nước Cầu Đỏ sử dụng nguồn nước lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn, vốn phụ thuộc hoàn toàn vào tỉnh Quảng Nam, thì Nhà máy nước Hòa Liên sử dụng nguồn nước sông Cu Đê, hoàn toàn nằm trong địa bàn của thành phố Đà Nẵng. Do vậy, trong quyền quyết định của mình, chính quyền thành phố cần cân nhắc tính toán kỹ lưỡng về các giải pháp, bảo đảm chủ động được nguồn nước sạch cung cấp cho việc sản xuất nước sinh hoạt của thành phố.

ANH QUÂN

;
;
.
.
.
.
.