Mấy ngày gần đây, tình hình Covid-19 toàn thế giới và tại nước ta trở nên phức tạp hơn. Tại Việt Nam, tính đến cuối ngày 10-3, đã có tổng cộng 34 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó, 16 trường hợp chữa khỏi, chưa có trường hợp tử vong, 210 người đang được cách ly theo dõi sức khỏe.
Trên thế giới, dịch đã lan đến 113 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 111.000 người nhiễm bệnh, gần 4.000 người tử vong. Chúng ta phải chống dịch từ trăm ngả chứ không phải một vài ngả như trước. Trước tình thế như vậy, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là khó tránh khỏi.
Ngay từ đầu, cả hệ thống chính trị nước ta vào cuộc quyết liệt với phương châm “chống dịch như chống giặc” và đã đạt được kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Dù vậy, xung quanh việc phòng, chống Covid-19 cũng còn nhiều điều cần phải lên tiếng.
Mấy ngày nay, xung quanh “ca nhiễm 17” tại Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bệnh nhân là N.H.N (26 tuổi, ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội), đi thăm người thân ở Anh từ ngày 16-2 rồi từ Anh sang vùng dịch ở Ý để du lịch. Sau đó cô về lại Anh và ngày 2-3 trở về Việt Nam. Sau khi có biểu hiện sốt, mệt mỏi, cô tới một bệnh viện thăm khám vào ngày 5-3 và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay trong đêm 6-3, UBND thành phố Hà Nội họp khẩn để bàn phương án chống dịch lây lan. Thật không thể thống kê hết những bất an, thiệt hại từ hành vi không khai báo, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng của cô N. Giá như cô N. khai báo y tế đầy đủ và tuân thủ các quy định cách ly, chữa trị bệnh thì hậu quả lây lan dịch từ cô đã được ngăn chặn hữu hiệu.
Sự việc của ca nhiễm 17 chưa kịp lắng dịu thì ngày 9-3, tại Quảng Trị xảy ra “chuyện thật như đùa”. Theo TTXVN, được tin có 4 người đi cùng chuyến bay VN1574 (từ Hà Nội vào Huế) với một người mắc Covid-19, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị nhanh chóng rà soát danh tính những người này gồm: N.T.L, N.B.S, N.M.Đ và Lê Thanh H. (cùng quê ở Hà Nội), lưu trú tại một khách sạn ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Từ ngày 6 đến 8-3, lực lượng chức năng đưa 4 người này về Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị để cách ly theo dõi theo quy định.
Tuy nhiên, trong 4 người được đưa về cách ly không có ông Lê Thanh H. mà thay vào đó là một người khác không đi chuyến bay VN1574. Trưa 9-3, ông Lê Thanh H. đã đến trình diện với cơ quan chức năng cùng với lái xe. Cả 6 người này (kể cả người được thay ông H. đi cách ly) đều được cách ly theo quy định.
Dù giấu giếm kỹ đến đâu, dù biện minh thế nào đi nữa, cuối cùng, cô N. cũng phải vào bệnh viện chữa trị bệnh và ông H. cũng phải cách ly. Đồng thời, hành vi sai trái của họ sẽ phải đối mặt với hình thức xử lý tương xứng.
Bên cạnh đó, từ đầu mùa Covid-19 đến nay, trên cả nước cũng xuất hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật khác, cụ thể là dựng chuyện, tung tin giả xảy ra trên mạng xã hội. Có trường hợp do thiếu hiểu biết, có trường hợp do cố tình thu lợi bất chính, hoặc có ý đồ xấu làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý ngăn chặn, tuy nhiên, thực trạng này vẫn chưa chấm dứt.
Có thể nói, trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp, cùng với sự lan truyền thông tin trên mạng xã hội, hành vi của cá nhân tác động hết sức mạnh mẽ đối với cộng đồng. Một cách ứng xử thiếu suy nghĩ chín chắn, một mẩu tin xấu độc dẫn đến nhiều hệ lụy rất trầm trọng mà ngay cả người gây ra cũng chưa chắc đã hoàn toàn tiên lượng hết.
Nhưng có điều này có thể khẳng định: trường hợp che giấu bệnh, làm lây lan dịch ra cộng đồng hoặc gian dối, thiếu hợp tác khi cách ly thì trước hết bản thân, người thân và sau đó là cộng đồng phải gánh chịu hậu quả trầm trọng.
Trong khi đó, khai báo trung thực, chấp thuận cách ly không chỉ để được chăm sóc y tế, để được trở về với cộng đồng với thân thể khỏe mạnh, mà qua đó, còn thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng. Thực tế, những người từ khu cách ly trở về đã mang theo niềm vui, gửi lại lời cám ơn chân thành người chăm sóc họ và khẳng định đó là một sự lựa chọn tốt nhất.
Đối với những trường hợp tung tin giả, xấu độc trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, đi ngược lại nỗ lực phòng, chống dịch, cơ quan chức năng đã và sẽ xử lý nghiêm khắc. Chúng ta đã chứng kiến và ít nhiều cảm thông những giọt nước mắt hối hận của đối tượng có hành vi sai trái vì thiếu hiểu biết, đồng thời mọi người cũng rất phẫn nộ, lên án gay gắt kẻ lợi dụng tình hình, tung tin thất thiệt để thu lợi bất chính hoặc mang ý đồ xấu. Tất cả những hành vi ấy đều được nhận diện, xử lý và chắc rằng, hình ảnh không mấy tốt đẹp đó sẽ là “chấm đen” trong đời họ mỗi khi nhớ lại.
Trong thời gian qua, cả nước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 và đã có thành công bước đầu với 16 ca nhiễm bệnh được chữa khỏi. Những kinh nghiệm quý báu ấy có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chặng đường gian nan tiếp theo để chống dịch. Chúng ta không chủ quan, nhưng vẫn vững tin sẽ đẩy lùi được dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt nhưng để phòng, chống dịch thành công, rất cần sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của mỗi người dân.
Cả nước đang ngày đêm không ngừng nghỉ căng sức phòng, chống dịch, nếu không góp được nhiều công sức cho việc chung thì hãy có trách nhiệm với bản thân, gia đình mình, hà cớ gì còn khoét sâu thêm âu lo, thiệt hại và nỗi đau cho cộng đồng. Có phải vậy không?
NGUYỄN ĐỨC NAM