.

Trách nhiệm giải trình

Cùng với những đổi mới trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII diễn ra trong 2 ngày rưỡi vừa qua, có một sự đổi mới được xem là bất ngờ và khá thú vị, đó là lần đầu tiên đại biểu Quốc hội chất vấn người đứng đầu – Chủ tịch Quốc hội và được trả lời một cách thỏa đáng.

Đó là 3 vấn đề mà đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) nêu ra về phân cấp chính quyền Trung ương và địa phương, về phân biệt lỗi cá nhân hay lỗi công vụ trong xử lý oan sai và về quy trình ban hành luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trả lời tương đối rõ và đi vào trọng tâm các vấn đề, theo như yêu cầu ông đề ra đối với các vị bộ trưởng khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Việc đổi mới trong chất vấn và trả lời chất vấn đó tạo ra những bất ngờ bởi đây là lần đầu tiên – trong nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây, hoạt động này dường như được trả về đúng bản chất của nó với những yêu cầu cao hơn, dân chủ hơn, thẳng thắn hơn để phát huy trách nhiệm giải trình của những “tư lệnh ngành” và Chính phủ trước Quốc hội; để từ đó phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương, của Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước. Ngay cả việc đại biểu Quốc hội chất vấn người đứng đầu Quốc hội cũng không nằm ngoài việc thực thi trách nhiệm với nhân dân là làm rõ hơn vai trò của cơ quan dân cử trước cử tri…

Chính vì vậy, trên tinh thần tăng cường trách nhiệm giải trình, với việc đổi mới chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, người dân được theo dõi cụ thể hơn, rõ ràng hơn về những chủ trương, chính sách và việc tổ chức thực hiện trong thời gian qua để có sự đánh giá, nhìn nhận đúng đắn hơn về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của đất nước; đồng thời cử tri tiếp nhận thông tin về những vấn đề mà mình quan tâm, lo lắng bấy lâu nay.

Trong đó, có những thông tin được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giải trình về những vấn đề lớn cử tri cả nước quan tâm trong suốt thời gian qua như: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về vấn đề lao động trong thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), về giảm nghèo đa chiều… và đặc biệt là vấn đề mà hàng triệu người Việt quan tâm, trăn trở trong thời gian qua là chủ quyền ở Biển Đông, quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc.

Theo dõi các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong những ngày qua, dư luận cử tri cả nước đồng tình với sự đổi mới trong hoạt động này nói riêng và của Quốc hội trong thời gian qua. Sự đổi mới đó cho thấy dân chủ ngày càng mở rộng, quyền giám sát của cử tri - thông qua đại biểu dân cử, cũng như quyền được thông tin ngày càng được phát huy. Cử tri cũng thấy rõ hơn và đánh giá đúng đắn hơn việc thực thi trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và các “tư lệnh ngành” trước những vấn đề bức xúc của đời sống.

Từ hiệu quả đó, cử tri bày tỏ mong muốn trách nhiệm nói chung và trách nhiệm giải trình nói riêng cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa, không những ở Trung ương mà cả các địa phương; thể hiện ở hoạt động của HĐND các cấp và trong các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.