.

Nỗi lo trước một sự kiện lớn

Niềm vui sau khi Đà Nẵng được Chính phủ chấp thuận cho đăng cai tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) chưa lắng xuống, đã dậy lên nỗi lo quá lớn. Từng diễn ra rất nhiều giải thể thao khu vực lẫn châu lục nhưng với một Đại hội lớn như lần này, liệu có quá sức với Đà Nẵng?

Còn nhớ, khi mà các Cúp bóng đá châu Á còn quá lạ lẫm với bóng đá Việt Nam thì liên tiếp trong 2 năm 1993, 1994, Đà Nẵng được chọn là đại diện đầu tiên của túc cầu Việt Nam dự tranh giải bóng đá C1 rồi C2 châu Á.

Trước đó, sân Chi Lăng còn vinh dự được tổ chức và tổ chức thành công vòng chung kết giải Bóng đá U-16 châu Á. Rồi những giải Bơi lặn và giải cờ Vua các lứa tuổi Đông Nam Á, giải cờ Vua các Kiện tướng Quốc tế ASEAN chỉ vừa mới diễn ra. Hay với một giải thể thao gồm 9 môn thi đấu và thu hút hơn 1.700 VĐV như Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ 3 (1992), Đà Nẵng cũng đã tạo được ấn tượng tốt đẹp cả về công tác tổ chức lẫn thành tích chuyên môn.

Nhưng, với Đà Nẵng, tất cả những thành công ấy đã thuộc về quá khứ. Còn lúc này, quả đáng lo khi quỹ thời gian đang cạn dần. Không lo sao được khi đến lúc này, ngoài khẳng định “địa điểm tổ chức các môn thi đấu của Đại hội 6 không nằm ngoài khả năng của ngành TDTT thành phố Đà Nẵng” của đại diện lãnh đạo Sở VH-TT và DL, rất dễ thấy, cơ sở phục vụ thi đấu của ngành TDTT Đà Nẵng còn quá khiêm tốn.

Nếu việc tổ chức thi đấu cho 2 môn Điền kinh và Bóng đá tạm ổn với sân Chi Lăng hay môn Bơi lặn không đáng lo về địa điểm thi đấu tại Bể bơi thành tích cao (dẫu chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn với mái che) cũng như môn Đua thuyền chắc chắn diễn ra trên sông Hàn, thì hơn 20 môn thi đấu còn lại, chẳng biết tìm đâu ra địa điểm tổ chức phù hợp và tương xứng với một Đại hội TDTT cấp quốc gia.

Cho dù đại diện lãnh đạo Sở VH-TT và DL đoan chắc, Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia 3, Trung tâm Thể thao Quốc phòng 3 và Đại học Đà Nẵng sẽ hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng địa điểm tổ chức để bảo đảm thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), song tất cả vẫn chỉ mới là lý thuyết. Chưa kể đến việc, ngành TDTT thành phố không thể có sự chủ động cần thiết trong công tác xây dựng kế hoạch tập luyện cho các đơn vị cũng như tổ chức thi đấu. Đó còn là chất lượng của hệ thống chiếu sáng, mặt sàn nhà thi đấu… ở các địa điểm dự kiến tổ chức thi đấu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích chuyên môn của các đơn vị…

Khi được hỏi, hầu hết những nhà cầm quân của các đội tuyển thể thao Đà Nẵng vẫn… chưa biết chắc chắn về địa điểm mà các học trò của họ sẽ thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, yếu tố “địa lợi” của các VĐV Đà Nẵng cũng bị loại bỏ. Mới đây, tỉnh Quảng Nam đã quyết định bổ sung một khoản kinh phí đến hàng chục tỷ đồng để hoàn thành Nhà Thi đấu tỉnh - vốn đang thi công dang dở từ nhiều năm qua - hy vọng “đón lõng” việc được tổ chức những môn thi đấu mà nhiều khả năng Đà Nẵng không thể tổ chức. Mà điều này, vào thời điểm hiện nay, rất gần với hiện thực.

Một World Cup, một Olympic, một EURO hay một SEA Games đều được các quốc gia, các thành phố đăng cai có sự chuẩn bị với một chu kỳ không ít hơn 4 năm. Thậm chí, để tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng lần thứ 6 (2004), Thừa Thiên - Huế đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất phục vụ thi đấu từ 3 năm trước đó. Còn với Đà Nẵng, liệu rằng, có thành công trong cuộc chạy đua với thời gian? Nghĩ mà lo là vậy!

ANH VŨ

;
.
.
.
.
.