Thời sự và bàn luận

Bài học từ quá khứ

16:20, 04/04/2008 (GMT+7)

Cách đây hơn 20 năm, Việt Nam phải đối mặt với siêu lạm phát lên đến 3 con số: 775%. Một trong những giải pháp vĩ mô được xem như đột phá khẩu để chống lạm phát thời đó là lãi suất huy động vốn cao chưa từng có: 12-13%/tháng. Trên thực tế, để đặc trị lạm phát cao, liệu pháp thông dụng nhất thường bắt đầu từ các công cụ của chính sách tiền tệ, đặc biệt là tỷ giá và lãi suất.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của chủ trương kiềm chế lạm phát không đơn giản chỉ dừng lại ở việc “cắt cơn” sốt giá, mà chính là thông qua đó tạo ra lực đẩy hình thành nên một thể chế mới bảo đảm cho nền kinh tế vận hành đúng quy luật, khơi dậy nội lực tiềm tàng của sức dân. Hơn hai mươi năm trước chúng ta đã làm được điều đó, bằng chứng là “Quyết sách đổi mới” toàn diện đã đi vào cuộc sống, thể chế kinh tế thị trường được xây dựng, lần đầu tiên trong lịch sử ngân hàng Việt Nam xuất hiện mô hình hai cấp: Cấp quản lý là Ngân hàng Trung ương – Cấp trực tiếp kinh doanh là hệ thống các ngân hàng chuyên doanh. Kết quả đổi mới thật ngoạn mục: Lần đầu tiên trong lịch sử, năm 1989 Việt Nam xuất khẩu được 1 triệu tấn gạo đầu tiên.

Hơn hai mươi năm sau, Việt Nam đã là một nền kinh tế mở, đang hội nhập sâu vào thế giới, được đánh giá là địa chỉ đầy tiềm năng để đón nhận làn sóng đầu tư từ bên ngoài. Trong bối cảnh đó, hiểm họa lạm phát cao lại một lần nữa đe dọa đến sự phát triển của đất nước. Thủ tướng Chính phủ đã chính thức bày tỏ quan điểm và công bố một loạt giải pháp chống lạm phát mang tính trọng tâm trong một bài viết đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông những ngày gần đây. Chính sách tiền tệ một lần nữa được lựa chọn là đột phá khẩu trong các nỗ lực kiềm chế lạm phát, mặc dù tầm mức của các giải pháp áp dụng ngày hôm nay hoàn toàn khác so với thực tế cách đây 20 năm. Thay vì tăng hoặc kìm giữ lãi suất, hệ thống ngân hàng thương mại hiện đang đồng thuận cao trong việc giảm lãi suất huy động VNĐ từ 12%/năm xuống 11%/năm, riêng ngoại tệ USD không quá 6%/năm, tạo điều kiện giảm dần lãi suất cho vay. Đây là động thái thực sự có ý nghĩa, nhất là trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, một loạt các hàng hóa chiến lược như xăng dầu, sắt thép, điện, than... đòi tăng giá bán và gây áp lực lớn đến điều hành vĩ mô.

Bài học từ quá khứ cho thấy, mọi giải pháp kiềm chế lạm phát cần phải linh hoạt vì thực tiễn cuộc sống không khi nào tương tự nhau, ngoại trừ một sự lựa chọn nếu muốn đất nước tiếp tục con đường ổn định phát triển, đó là phải huy động được sức mạnh tổng lực của toàn dân tham gia vào quốc sách chống lạm phát. Giai đoạn này rất cần sự nhanh chóng vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, chỉ ra những công việc cụ thể cần làm ở từng ban, ngành, đơn vị tổ chức, phường, xã, thôn, xóm và gia đình. Cần thiết tổ chức một diễn đàn chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, tương tự như diễn đàn “Những việc cần làm ngay” của thời Đổi mới, thông qua đó nhân dân có điều kiện đóng góp ý kiến, trao đổi, hiến kế những giải pháp khả thi nhất, từ việc nhỏ cho đến việc lớn, tạo ra một phong trào sinh hoạt chính trị rộng lớn nhằm tiếp sức cho việc thực hiện các chủ trương lớn của Nhà nước.

Cách đây hơn 20 năm, trong bối cảnh đất nước còn bị khép kín, bao vây, thế và lực rất hạn chế, nhưng chúng ta đã thực hiện được cuộc cách mạng lớn về tư duy để bảo đảm sự phát triển liên tục cho đến hôm nay. Tin rằng truyền thống này sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong quãng thời gian còn nhiều thử thách sắp đến, mang lại những đột phá mới trong tư duy thời mở cửa hội nhập và kinh tế tri thức.

VĨNH PHƯỚC

.