Mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở Đà Nẵng: Tiếp tục hoàn thiện để phát huy tính ưu việt

.

Sau 2 năm triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại 6 quận và 45 phường trên địa bàn thành phố với việc cơ quan hành chính quận, phường đổi mới cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc bước đầu đã phát huy tính chủ động, tăng thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Công tác quản lý điều hành của UBND các quận, phường ổn định, thông suốt, hiệu quả. Song, việc triển khai thí điểm cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, nhất là cơ chế quản lý tài chính, cần có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện phát huy tính ưu việt của mô hình.

Qua gần 2 năm triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị cho thấy có những kết quả tích cực và nhiều ưu việt.  TRONG ẢNH: Đô thị bờ Đông thành phố nhìn từ trên cao. Ảnh: PV
Qua gần 2 năm triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị cho thấy có những kết quả tích cực và nhiều ưu việt. TRONG ẢNH: Đô thị bờ Đông thành phố nhìn từ trên cao. Ảnh: PV

Bài 1: Thông suốt, hiệu lực, hiệu quả

Thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, UBND quận, phường trở thành cơ quan hành chính, hoạt động theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Qua khảo sát, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) các cấp đánh giá tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành từ UBND thành phố đến UBND phường ngày càng tốt hơn.

Tinh gọn bộ máy, tăng quyền hạn và trách nhiệm

Với chế độ thủ trưởng, Chủ tịch UBND quận là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước HĐND thành phố, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận. Chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường. Việc thí điểm tổ chức chính quyền đô thị một cấp (cấp thành phố), cấp quận, phường được tổ chức thành cơ quan hành chính, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu tinh gọn bộ máy, tăng khả năng phản ứng linh hoạt của chính quyền đối với các vấn đề diễn ra trong công tác quản lý, điều hành, nhằm tạo điều kiện phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố.

Một nét nổi bật khác, đó là khi thực hiện thí điểm, với việc ban hành Đề án phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố, các cơ quan chuyên môn trực thuộc được phân định rõ thẩm quyền, nhất là của người đứng đầu. Qua đó giúp tăng trách nhiệm giải trình của chính quyền, hình thành phương thức quản lý và cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp. Mặt khác, có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn quá trình thực thi công vụ, tăng cường chức năng, nhiệm vụ của UBND quận, phường trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Sơn Trà nhìn nhận, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND quận xuyên suốt, cụ thể hơn, bảo đảm sự điều hành trực tiếp, nâng cao tính chủ động của cơ quan hành chính và trách nhiệm người đứng đầu. Mệnh lệnh quản lý từ quận xuống phường không bị cắt khúc hoặc bị triển khai chậm do phải thông qua nhiều cấp họp triển khai và ban hành văn bản thực hiện.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính Nhà nước được nâng cao, đồng thời bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của nhân dân thông qua vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng tại quận, phường; hội nghị đối thoại với nhân dân của chủ tịch UBND quận, chủ tịch UBND phường; vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ của Ủy ban MTTQ quận và các tổ chức chính trị - xã hội tại quận, phường với UBND quận, phường được bảo đảm.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Lương Công Tuấn, qua gần 2 năm triển khai thí điểm tổ chức quyền đô thị cho thấy có những kết quả tích cực và nhiều ưu việt, hiệu quả thể hiện rõ nét. Theo đó, tổ chức bộ máy quản lý đô thị tinh gọn hơn, tiết kiệm chi thường xuyên, thủ tục hành chính giảm hơn so với trước; thời gian triển khai kế hoạch nhanh hơn, phù hợp tính chất, yêu cầu của quản lý đô thị.

Tính năng động trong hoạt động điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao, đồng thời nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của chính quyền ở địa phương được thực hiện rõ nét, nghiêm túc hơn. Việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới và cơ quan chuyên môn được đẩy mạnh theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵn được thực hiện khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Việc giải quyết yêu cầu chứng thực giấy tờ, chữ ký của nhân dân ở cấp phường được nhanh hơn rất nhiều khi chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện nhiệm vụ này theo quy định.

Tại bộ phận
Tại bộ phận "Một cửa" phường Hòa Minh có máy tính kết nối liên thông giữa công chức tiếp nhận xử lý hồ sơ của công dân nộp để rà soát, kiểm tra quá trình giải quyết. Ảnh: TRỌNG HUY

Chuẩn hóa đội ngũ công chức phường

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn, qua 2 năm triển khai thực hiện, kết quả bước đầu đã phát huy tính chủ động, tăng thẩm quyền và chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu quận, phường, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước. Khi thực hiện chế độ công vụ mới, công chức thuộc biên chế và quản lý như công chức quận đã tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp; tạo sự chủ động, linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác cán bộ giữa quận, phường. Chế độ công vụ mới đã phát huy hiệu quả trên thực tế.

Báo cáo chuyên đề kết quả triển khai thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đánh giá, việc phân cấp ủy quyền bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo lĩnh vực và địa bàn; bảo đảm một việc không quá hai cấp quản lý. Thành phố bổ sung, điều chỉnh các nội dung đã phân cấp hiện nay phù hợp với thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, bảo đảm nguyên tắc tăng cường thẩm quyền, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, nhất là trên các lĩnh vực quản lý đầu tư, đất đai, tài chính, ngân sách và quản lý tổ chức bộ máy, CBCCVC...

Khi thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật. Tính từ ngày 1-7-2021 đến đầu tháng 7-2023, có 1.253.890 việc được chứng thực do công chức tư pháp - hộ tịch UBND các phường thực hiện. Với cơ chế này, đã tạo sự hài lòng cho tổ chức, công dân khi đến liên hệ công việc, giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm được thời gian của nhân dân, góp phần cải cách thủ tục hành chính, đồng thời tăng trách nhiệm cá nhân cho công chức tư pháp - hộ tịch phường.

Qua đánh giá của các tổ chức, công dân có nhu cầu về thủ tục chứng thực tại các phường đều “chấm điểm” tối đa cho sự tiện lợi, nhanh chóng. Ngay cả phường đông dân nhất thành phố là Hòa Minh (quận Liên Chiểu), với số lượng hồ sơ chứng thực hằng ngày rất lớn, nhưng thời gian thực giải quyết hồ sơ chứng thực cho công dân không mất quá 5 phút.

Phân bổ 675 biên chế công chức làm việc tại 45 phường
Để hoàn thiện cơ chế, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố phân bổ 675 biên chế công chức làm việc tại UBND 45 phường (bình quân 15 người/phường), kịp thời hướng dẫn UBND các quận thực hiện quy trình chuyển 631 cán bộ, công chức phường thành công chức thuộc biên chế UBND quận. UBND thành phố đã chỉ đạo xây dựng, thẩm định và phê duyệt đề án vị trí việc làm của UBND 45 phường trên địa bàn thành phố phù hợp với chế độ công chức, công vụ mới khi thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị. Kết quả khảo sát cho thấy, 91,5% CBCCVC đánh giá việc thực hiện chế độ công vụ mới này là hợp lý và đem lại kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ so với trước đây.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.