'Lá chắn' phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

.

Ngày 11-7-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW “về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”. Đây là quy định quan trọng, là “lá chắn” nhằm phòng ngừa tiêu cực trong công tác cán bộ. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Bá Sơn về sự cần thiết, tầm quan trọng của quy định này.

Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ được kỳ vọng sẽ tạo nhiều chuyển biến tích cực. TRONG ẢNH: Người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng.
Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ được kỳ vọng sẽ tạo nhiều chuyển biến tích cực. TRONG ẢNH: Người dân, doanh nghiệp đến làm thủ tục tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng.

​​​​​​​* Theo ông, tính cấp thiết phải ban hành quy định này là gì?

- Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng.

Những năm gần đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận về công tác cán bộ. Trong đó, phải kể đến Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII) “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Năm 2019, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”...

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác cán bộ của Đảng vẫn còn những tồn tại, bất cập, hạn chế. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, tham ô diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều đại án, gây bức xúc trong dư luận. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), công tác PCTNTC được thực hiện theo quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Qua tổng kết 10 năm PCTNTC giai đoạn 2012 - 2022 do Bộ Chính trị tổ chức năm 2022 cho thấy, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó hơn 7.000 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Đã khởi tố, điều tra hơn  19.500 vụ án, gần 34.000 bị can về các tội tham nhũng kinh tế, chức vụ…

Vì vậy, ngày 11-7 vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW. Đây là sự phát triển trên cơ sở kế thừa Quy định số 205-QĐ/TW “về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” là rất cần thiết, là một “lá chắn” quan trọng chống tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này ra đời được cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ.

* Ông đánh giá như thế nào về những nội dung của Quy định số 114-QĐ/TW?

- Như đã nói ở trên, Quy định số 114-QĐ/TW trên tinh thần phát huy và kế thừa Quy định số 205-QĐ/TW “về kiểm soát quyền lực và PCTNTC trong công tác cán bộ”, trong đó phải kể đến việc quy định này đã cụ thể hóa các nhóm hành vi bao gồm nhóm hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ và nhóm hành vi của đối tượng “chạy chức, chạy quyền”. Điều này cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi cán bộ, đảng viên và đây cũng là công cụ để các cơ quan chức năng, người dân giám sát các hành vi vi phạm.

Với 5 chương, 16 điều, quy định đã cụ thể 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; 6 hành vi “chạy chức, chạy quyền” và 5 hành vi tiêu cực khác. Đây cũng được xem là một trong những vấn đề mấu chốt của công tác cán bộ, nhằm ngăn từ đầu những phần tử cơ hội lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Đồng thời, cũng đã quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTNTC trong công tác cán bộ.

Quy định khá chặt chẽ nhưng áp dụng sẽ có những phát sinh, khó khăn trong vận dụng thực tiễn, đòi hỏi mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị địa phương phải có quyết tâm chính trị cao; đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết là người đứng đầu phải tự nhận thức đúng, đủ ý nghĩa chính trị của quy định để vận dụng phù hợp với thực tiễn của tổ chức, địa phương, đơn vị, phát huy tinh thần chủ động tự giác, tự nguyện, tự chỉ trích, lòng tự trọng, biết liêm sỉ và phải biết hành động vì cái chung.

* Với các nội dung của Quy định số 114-QĐ/TW, theo ông, nhân dân quan tâm nhất vấn đề nào và liệu quy định này có thể ngăn chặn hiệu quả  tham nhũng trong công tác cán bộ?

- Tại Quy định số 114-QĐ/TW, người dân cả nước quan tâm đến việc Bộ Chính trị cấm không được bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan gồm: thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị; người đứng đầu cấp ủy Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương. Như vậy, quy định này rõ ràng, cụ thể hơn để qua đó phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả hơn.

Cũng cần nói thêm rằng quy định như trên không đồng nghĩa là Trung ương đóng hết mọi cánh cửa cho những nhân sự thật sự xứng đáng được bố trí vào những vị trí có trong quy định mà không có phương án khác tốt hơn. Về vấn này, tại Điều 6, Quy định 114-QĐ/TW có quy định: “Trong trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí. Đối với chức danh thuộc diện cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương; chức danh thuộc diện Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền”.

Có thể khẳng định rằng, với Quy định số 114-QĐ/TW đã được Bộ Chính trị đúc rút qua tổng kết của quá trình PCTNTC; quá trình thực hiện công tác cán bộ và có tính phòng ngừa mạnh mẽ, đóng vai trò như một chốt chặn, để cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc, tránh sa vào sai phạm, không thể, không dám, không muốn vi phạm, những phần tử cơ hội biết sợ.

Có thể ví quy định này như một “lá chắn” bảo vệ những cán bộ, đảng viên biết đặt quyền lợi của Đảng, của dân, của nước lên trên hết, trước hết. Từ đó tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng như công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.

Tuy nhiên, xây dựng được quy định đã là khó nhưng thực hiện càng khó hơn. Chúng ta phải chọn được người, phải tìm ra những nhân tố then chốt để thực hiện quyền lực và kiểm soát cho được quyền lực trong công tác cán bộ.

Những nhân tố then chốt đó trước tiên là người lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ quan tham mưu và kiểm tra, thanh tra trong công tác cán bộ. Bên cạnh đó, người đứng đầu phải kiểm soát cho được quyền lực của hệ thống nhiều tầng, nhiều bộ phận để ngăn chặn “chạy chức, chạy quyền” cùng những hệ lụy khác.

Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác quản lý, giám sát cán bộ, qua đó kịp thời phát hiện những cán bộ cơ hội, có động cơ cá nhân, chủ nghĩa cá nhân để răn đe, xử lý. Để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Trung ương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập để PCTNTC.

ĐOÀN SƠN - NGỌC PHÚ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.