Mang tình cảm đất liền ra biển, đảo Tổ quốc

.

Đà Nẵng, thành phố bên bờ Biển Đông. Biển gắn với người Đà Nẵng như một phần máu thịt, quê hương, bởi ngoài đất liền thành phố bên bờ Biển Đông còn có huyện đảo Hoàng Sa. Nhưng rộng lớn hơn là Tổ quốc mình có cả một vùng biển đảo mà ở đó cùng Hoàng Sa là Trường Sa đều đặn mỗi ngày đưa sóng vỗ nhịp vào bờ.

Tàu KN-390 rời cảng tại Đà Nẵng đưa Đoàn công tác số 7 đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Ảnh: LÊ HÙNG
Tàu KN-390 rời cảng tại Đà Nẵng đưa Đoàn công tác số 7 đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Ảnh: LÊ HÙNG

Đứng trước biển hẳn ai cũng khát khao một lần được vẫy vùng khơi xa... Khát khao, ước nguyện ấy đã được vỡ òa khi thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên được Quân chủng Hải quân chọn là nơi đưa Đoàn công tác số 7 năm 2023 ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Vậy là, kể từ tháng 4-2023, Đà Nẵng ghi dấu son trên hải trình mang tình cảm đất liền ra với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc - Trường Sa. Cũng từ đây, thành phố Đà Nẵng quê hương tôi nhận sứ mệnh là bến bờ mở ra hải trình từ trái tim tới trái tim, để thấm quyện tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng kết nối con dân đất Việt quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Thành phố những ngày tháng 4 cũng dâng lên niềm hân hoan kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2023) và 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2023). Trong đó, thành tích chào mừng mang dấu ấn của Đà Nẵng là những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cụ thể, quý 1-2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng dẫn đầu các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng; xếp thứ hai trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương; thứ bảy trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và xếp thứ 19 so với cả nước.

Sự phát triển này là kỳ diệu bởi hai năm trước Đà Nẵng là tâm dịch Covid-19 và đã để lại hậu quả nặng nề. Nhắc nhớ điều này cũng để mang theo nỗi niềm nhớ vốn đã tích đầy chực chờ hướng về Trường Sa; bởi chỉ sau khi kiểm soát được Covid-19 thì những chuyền hải trình mang tình cảm từ đất liền mới có thể nối lại với vùng biển đảo Tổ quốc.

Qua kế hoạch của Quân chủng Hải quân về việc mời đại biểu đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, thành phố Đà Nẵng cử đoàn công tác mà khi họp đoàn trước ngày khởi hành ai ai cũng ánh lên niềm vinh dự, đong đầy  niềm tự hào khi là công dân thành phố mang sứ mệnh góp sức cổ vũ, động viên đến cán bộ, chiến sĩ hải quân vượt qua khó khăn, đoàn kết một lòng, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày ấy cũng đến và không thể nào quên tại cầu cảng Vùng 3 Hải quân. Sáng 22-4, Đoàn công tác số 7 do Chuẩn đô đốc Nguyễn Đình Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân (Bộ Quốc phòng) làm trưởng đoàn và Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng do Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng làm trưởng đoàn xuất phát đi thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Đoàn tham dự lễ chào cờ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa tại đảo Trường Sa Lớn; thăm, tặng quà và động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa, các điểm đảo và nhà giàn DK1; tổ chức biểu diễn, giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; thăm Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Tượng đài liệt sĩ Trường Sa... Đồng thời, tặng quà các hộ gia đình sinh sống trên các đảo; thăm, tặng quà cơ sở y tế, giáo dục tại huyện đảo Trường Sa; thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ là con em thành phố Đà Nẵng đang công tác tại Trường Sa...

Đây là chuyến công tác hết sức đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chuyến công tác còn nhằm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức của thành phố Đà Nẵng và đại biểu khách mời về chiến lược biển đảo, nhất là chủ quyền của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Tăng cường mối quan hệ gắn bó, đoàn kết với Quân chủng Hải quân và quân, dân huyện đảo Trường Sa; thể hiện tinh thần, trách nhiệm, sự quan tâm, động viên đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang công tác, sinh sống trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới.

Tôi đã trải qua nhiều ngày đêm bịn rịn nơi điểm cầu tàu Đà Nẵng để lần đầu tham gia trong hải trình được Quân chủng Hải quân tổ chức ra biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Nhớ hoài, thương hoài và bịn rịn lắm khoảnh khắc chia tay với người mình hằng ngày yêu thương.

“Anh đi công tác lần này dài ngày nhưng phải luôn giữ mình mạnh khỏe. Nơi anh đến ở nơi tiền tiêu Tổ quốc, anh hãy thay em chạm thấu tâm hồn, tình yêu của quê mình và của chúng mình” - người ấy nói khi bước chân tôi chuẩn bị rời thành phố Đà Nẵng để nhẹ tênh hướng về phía biển - biển của riêng tôi và của người ấy là một phần ký ức.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.