Đề xuất các giải pháp mang tính cấp bách trong thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ

.

ĐNO - Các ý kiến tham luận đã làm rõ sự cần thiết và đề xuất các giải pháp để phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời phân tích sự cần thiết, đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế để thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trên các vấn đề cốt lõi, những lĩnh vực trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng nói riêng, trong sự nghiệp cách mạng nói chung.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học Các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh tại hội thảo khoa học “Hoàn thiện các cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng trong giai đoạn mới” do Ủy ban Kiểm tra Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức sáng 26-5 tại Đà Nẵng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Tiến Hưng và Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cùng chủ trì hội nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Tiến Hưng (giữa), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (bên trái) và GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học Các cơ quan Đảng Trung ương (bên phải) đồng chủ trì hội nghị.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Tiến Hưng (giữa), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (bên trái) và GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học Các cơ quan Đảng Trung ương đồng chủ trì hội nghị.

Kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp về cơ chế để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng; việc thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội; tổ chức đại hội Đảng và bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Đảng, bầu cử các chức danh lãnh đạo của Đảng; công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, nhấn mạnh cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc kiểm soát quyền lực; mối tương quan với thực thi nguyên tắc tự “phê bình và phê bình”; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách…

Nêu giải pháp hoàn thiện cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức Đảng, mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt.

Để thực hiện công tác này, PSG.TS Vũ Văn Phúc đề xuất 8 giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tất cả các khâu trong công tác cán bộ, đặc biệt công tác đánh giá cán bộ nhằm thực thi hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng.

Theo PGS.TS Phúc, phải đánh giá chính xác nhân sự được quy hoạch giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức danh cấp chiến lược; kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người “chạy chức, chạy quyền” vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc lựa chọn bổ nhiệm, bầu cử có số dư, ít nhất mỗi chức danh cán bộ phải có từ 2 ứng viên trở lên; thực hiện việc thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thí điểm việc tranh cử vào các chức danh lãnh đạo, quản lý.

“Ứng viên trước khi được bổ nhiệm, bầu cử phải trình bày chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện. Nếu không thực hiện như cam kết, phải từ chức”, PGS.TS Phúc nêu quan điểm.

Đề cập nguyên tắc tập trung dân chủ với kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hào, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực III, thực tiễn thời gian qua cho thấy, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nước ta nhìn chung chưa chặt chẽ, đồng bộ; việc xử lý các trường hợp “chạy chức, chạy quyền” từ phía “chạy” và phía “cho” chưa nhiều về số lượng, chưa phù hợp về phương pháp và triệt để về mức độ…

Để kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”, Tiến sĩ Hào cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo hướng cụ thể hóa, hoàn thiện từ các quy định của Đảng đến pháp luật của Nhà nước, tạo khuôn khổ, thể chế, thiết chế có hiệu lực, hiệu quả cho đấu tranh phòng, chống “chạy chức, chạy quyền”, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Đồng thời, nghiên cứu mở rộng quyền chất vấn trong Đảng của đảng viên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể-xã hội, truyền thông báo chí và nhân dân để kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ. Ngoài ra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý sai phạm kịp thời, nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ…

GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu tổng kết hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ
GS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu tổng kết hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ

Những giải pháp mang tính định hướng mới

Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc hàng đầu, có ý nghĩa nền tảng, góp phần tạo sức mạnh của Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng chú trọng thực hiện nguyên tắc này, góp phần tạo nên thành công to lớn của cách mạng nước ta.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ vẫn còn nhiều khuyết điểm, hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng là chưa kịp thời hoàn thiện hệ thống các cơ chế để thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ. Do đó, làm thế nào để hoàn thiện được hệ thống cơ chế thực thi nguyên tắc này là vấn đề cấp thiết, cả về nhận thức và thực tiễn.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, tại hội thảo, các ý kiến tham luận đã làm rõ sự cần thiết và đề xuất các giải pháp để phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời, phân tích sự cần thiết, đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế để thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trên các vấn đề cốt lõi, những lĩnh vực trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng nói riêng, trong sự nghiệp cách mạng nói chung.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, những nội dung nói trên vừa mang tính lý luận, vừa có sức nặng kiểm chứng từ thực tiễn; vừa có sức gợi mở, vừa cụ thể.

Các ý kiến có tính chất đề xuất mang tính định hướng, vừa có tính kế thừa vừa có tính mới, góp ý rất thiết thực giúp Ban Chủ nhiệm đề tài “Hoàn thiện các cơ chế để thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng trong giai đoạn mới” có các căn cứ để xây dựng đề tài rất quan trọng này.

NGỌC PHÚ

 


 

;
;
.
.
.
.
.