Bảo đảm hoạt động tôn giáo chính đáng, đúng pháp luật

.

Trong báo cáo mới đây về tình hình tự do tôn giáo quốc tế 2023 của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) và báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tuy đã ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo song vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam. Phải khẳng định ngay rằng, những thông tin sai lệch nêu trên là hết sức phi lý, nhằm tác động đến suy nghĩ, tình cảm của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, cũng như không có đạo nhằm tạo sự hoài nghi về chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, dù còn bộn bề công việc, ngày 3-9-1945 tại phiên họp của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận đồng bào theo đạo. Người nói “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”. Ngày 14-6-1955, Người đã ký sắc lệnh 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”.

Nhất là kể từ khi đất nước Việt Nam thống nhất đến nay, nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo mà số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo tốt hơn. Có thể nói, chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng đông, cơ sở thờ tự ngày càng khang trang, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được công khai theo quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy trong gần 20 năm qua, số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo tăng lên đáng kể. Năm 2003 cả nước có 6 tôn giáo, 15 tổ chức, với 17 triệu tín đồ, khoảng 20.000 cơ sở thờ tự; 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc. Đến năm 2022, chính quyền đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với hơn 26,7 triệu tín đồ, hơn  55.000 chức sắc, khoảng 135.000 chức việc; hơn  29.000 cơ sở thờ tự…

Hằng năm có hơn  8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia và trong 10 năm thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp hàng trăm ha  đất để xây dựng cơ sở thờ tự như: Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m² đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện Thánh Kinh Thần học; tỉnh Đắk Lăk giao hơn 11.000m² đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000m² đất cho Tòa Giám mục Giáo phận Đà Nẵng và 5.000m² đất xây dựng trụ sở Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam; chính quyền thành phố Cần Thơ cấp 11ha xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; chính quyền tỉnh Quảng Trị cấp thêm 15ha mở rộng khuôn viên Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang; chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cấp 10ha xây dựng Thiền viện Bạch Mã; chính quyền thành phố Hải Phòng cấp 10.000m² xây dựng nhà hưu dưỡng cho các linh mục, tu sĩ Giáo phận Hải Phòng; chính quyền tỉnh Ninh Bình cấp 15.000m² xây dựng Trung tâm Mục vụ Giáo phận Phát Diệm… Các tổ chức tôn giáo tổ chức hoạt động tôn giáo đều được chính quyền hỗ trợ đảm bảo an ninh, an toàn để nhân dân yên tâm thực hiện nghi lễ tôn giáo.

Chúng ta đều biết rằng, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức đối với Việt Nam nhằm bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân như hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, trình độ và nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo về quyền con người; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn hạn chế; sự du nhập các tôn giáo ngoại sinh và các giá trị văn hóa nước ngoài trong quá trình toàn cầu hóa; mâu thuẫn nội bộ trong các tổ chức tôn giáo; sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam; giải quyết các tranh chấp đất đai có nguồn gốc tôn giáo… Đặc biệt, một số cá nhân, tổ chức hoạt động tôn giáo trái pháp luật, thúc đẩy hoạt động “tà đạo, đạo lạ” ở các vùng sâu, vùng xa, gia tăng hoạt động mê tín dị đoan trái thuần phong mỹ tục gây bức xúc trong nhân dân. Với âm mưu muốn giáo dân chống đối chính quyền, họ kích động với luận điệu, đây là quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do tôn giáo; đồng thời, xuyên tạc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam…

Việt Nam đang từng bước giải quyết những thách thức đó nhằm bảo đảm quyền tự do hoạt động tôn giáo chính đáng, đúng pháp luật của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp của Việt Nam, trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.