Tăng cường dạy nghề cho người cai nghiện ma túy

.

ĐNO - Thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn phức tạp, nhất là trong giới trẻ. 

Học viên cai nghiện tham gia học sơ cấp điện lạnh tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng thành phố Đà Nẵng
Học viên cai nghiện tham gia học sơ cấp điện lạnh tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng thành phố Đà Nẵng.

Trong quý 1-2023, Cơ sở xã hội Bầu Bàng thành phố Đà Nẵng (Cơ sở), tiếp nhận 85 người (tự nguyện 14, ngoại tỉnh 10). Hiện Cơ sở đang quản lý, giáo dục, cai nghiện, chữa bệnh cho 370 học viên. Công tác quản lý được thực hiện chặt chẽ. 

Công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe nói chung cho người cai nghiện được Cơ sở rất quan tâm, trong đó có cắt cơn, giải độc. Để bảo đảm an toàn, hiệu quả, đẩy nhanh quá trình cắt cơn, giải độc, giúp học viên sớm hồi phục sức khỏe, Cơ sở đã thực hiện đúng phát đồ của Bộ Y tế; đồng thời kết hợp với bệnh viện y học cổ truyền thành phố để châm cứu, uống thuốc nam.

Việc điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện tại Cơ sở trong thời quan qua có bước phát triển. Hai năm vừa qua, Cơ sở đã thực hiện việc điều trị cho học viên bị rối loạn tâm thần ngay tại Cơ sở, hạn chế tối đa trường hợp phải chuyển đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần.

Đối với người sử dụng ma túy, việc bị rối loạn tâm thần là rất khó tránh khỏi, nhất là với người có tâm lý yếu, người trẻ tuổi, người sử dụng nhiều loại ma túy, tần suất sử dụng cao… Vì vậy, Cơ sở đã chủ động công tác chẩn đoán để kịp thời phát hiện điều trị do bác sĩ của Cơ sở kết hợp với bác sĩ tăng cường từ các bệnh viện tuyến trên và cán bộ tâm lý phối hợp thực hiện. 

Việc chẩn đoán dựa trên các bộ công cụ (bộ test) đã được kiểm chứng. Cùng với sử dụng thuốc, châm cứu, học viên cai nghiện bị rối loạn tâm thần sẽ được tư vấn, trị liệu tâm lý, động viên ngưng sử dụng cà phê, trà để không ảnh hưởng đến tâm thần kinh; tăng cường các hoạt động thể chất để bảo đảm sức khỏe. 

Trong 2 năm qua, Cơ sở đã điều trị ổn định cho gần 50 lượt học viên bị các rối loạn tâm thần. Có thể nói đây là điểm sáng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho học viên cai nghiện. Việc điều trị các bệnh lý khác cũng được Cơ sở thực hiện rất tốt, không có ca bệnh nặng phải chuyển tuyến trên điều trị. 

Công tác tư vấn, giáo dục được Cơ sở thực hiện theo từng giai đoạn của quy trình cai nghiện; đồng thời việc tư vấn, giáo dục còn phải phù hợp đặc thù của mỗi học viên như độ tuổi, nhận thức, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, công việc làm… Có thể nói rằng, công tác tư vấn tâm lý, giáo dục hành vi, nhân cách cho học viên của Cơ sở trong thời gian qua có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần mang lại sự ổn định cho Cơ sở, tăng thêm niềm tin, ý chí cho học viên cai nghiện.

Ngoài việc tham gia những hoạt động nêu trên, học viên cai nghiện tại Cơ sở còn phải tham gia các hoạt động lao động trị liệu như trồng trọt các loại rau củ quả, gia công giày, chăn nuôi; hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, bơi lội,... Những công việc này giúp cho học viên biết quý trọng sức lao động, rèn luyện tính nhẫn nại, suy nghĩ tích cực để vượt khó vươn lên chiến thắng bản thân.

Thời gian qua Cơ sở đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề thành phố, tổ chức dạy sơ cấp điện lạnh và điện ô-tô cho học viên, trung bình hằng năm mở khoảng 6 đến 8 lớp, mỗi lớp 30 em. Việc dạy được nhà trường thực hiện theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, giảm thiểu thời gian học lý thuyết để tăng cường thời gian thực hành nhằm giúp cho học viên dễ nắm bắt hơn cũng như trau dồi kỹ năng nghề nghiệp.

Ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở xã hội Bầu Bàng cho biết việc học nghề của học viên được thực hiện theo phương châm “2 tại chỗ” tức là học tập tại chỗ, thực hành tại chỗ. Học viên sẽ thực hành trên mô hình học cụ được Cơ sở đầu tư mua sắm cũng như mô hình do nhà trường chuyển đến để bảo đảm hiệu quả. 

Tuy nhiên, theo ông Dũng, hiện nay công tác đào tạo nghề cho học viên cai nghiện gặp phải một số khó khăn như thời gian cai nghiện của học viên tối đa 24 tháng, nếu chấp hành tốt sẽ được giảm 3 tháng (theo quy định) nên chỉ đào tạo ở bậc sơ cấp. Bên cạnh đó, ngân sách dành cho công tác này còn thấp, khó mở những ngành nghề đòi hỏi phải đầu tư về tài chính như kỹ thuật pha chế (bartender); nấu ăn.

Về phía học viên cai nghiện, nhiều em bị ảnh hưởng bởi tác hại của ma túy dẫn đến thiếu tập trung trong quá trình học tập nên cán bộ phải động viên và thường xuyên kiểm tra để bảo đảm việc dạy và học được chất lượng. 

LINH ĐAN 

;
;
.
.
.
.
.