Kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (12-4): Dấu ấn 50 năm mối quan hệ Việt - Pháp

.

2023 là năm kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp (12-4-1973 - 12-4-2023), 10 năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược (2013 - 2023). Trên nền tảng quan hệ hợp tác giữa hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng với các địa phương của Pháp có những bước phát triển, đặc biệt là hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố đã góp phần thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn.

Talkshow “Dấu ấn kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng” tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: T.PHƯƠNG
Talkshow “Dấu ấn kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng” tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: T.PHƯƠNG

Văn hóa Pháp trong lòng Đà Nẵng

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa có ý nghĩa, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa Đà Nẵng và Pháp.

Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố Nguyễn Ngọc Bình cho biết: “Ngày 18 và 19-3, liên hiệp tổ chức thành công ngày hội giao lưu văn hóa Pháp ngữ với nhiều hoạt động sôi nổi gồm: giải bóng đá Pháp ngữ, liên hoan tiếng hát Pháp ngữ, cuộc thi tìm hiểu về quan hệ ngoại giao và hợp tác Việt Nam - Pháp qua internet, cuộc thi vẽ tranh, rung chuông vàng Pháp ngữ. Những hoạt động này sẽ tăng cường sự hiểu biết và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam - Pháp và các cộng đồng Pháp ngữ, khuyến khích phong trào học tiếng Pháp trên địa bàn thành phố, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước”.

Ông Nguyễn Ngọc Bình thông tin, hàng loạt sự kiện được tổ chức trong năm kỷ niệm như  đăng cai vòng chung kết Liên hoan tiếng hát Pháp ngữ toàn quốc lần thứ 1 - Đà Nẵng 2023 và giao lưu âm nhạc của nhạc sĩ Pháp và Việt Nam nhân ngày Âm nhạc quốc tế dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 6-2023; tổ chức các lớp học tiếng Pháp tại Viện Pháp và các buổi giao lưu sinh hoạt tại Câu lạc bộ tiếng Pháp thành phố dành cho hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Pháp thành phố Đà Nẵng.

Dịp này Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Dấu ấn văn hóa Pháp tại Đà Nẵng” vào ngày 9-4, nhằm góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc mối quan hệ Việt Nam - Pháp. Các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống của Pháp tại chương trình như talkshow “Dấu ấn kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng” và triển lãm ảnh các công trình kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng; thưởng thức ẩm thực Pháp với một số món ăn đặc trưng của nước Pháp; trải nghiệm “Vẽ và trang trí bánh quy nướng”, một số trò chơi dân gian của Việt Nam và Pháp.

Tại chương trình, Giám đốc Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng Samuel Delameziere chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Dấu ấn văn hóa Pháp tại Đà Nẵng”. Điều này góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược giữa hai nước. Tôi hy vọng 50 năm mối quan hệ ngoại giao này sẽ chuyển thành 100 năm hoặc hơn thế nữa và nước Pháp của chúng tôi luôn đồng hành để kỷ niệm trong những sự kiện đặc biệt cùng với Đà Nẵng”.

Đến tham gia chương trình “Dấu ấn văn hóa Pháp tại Đà Nẵng”, cô Huỳnh Thị Ngọc Ngoạn, giáo viên dạy tiếng Pháp tại Trường THPT Phan Châu Trinh, bày tỏ, năm nay tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước nên có nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút nhiều bạn trẻ đến trải nghiệm, những hoạt động này giúp các bạn hiểu hơn về văn hóa Pháp. Văn hóa Pháp thực sự đã đi sâu vào trong lòng Đà Nẵng, đặc biệt là ngôn ngữ Pháp.

Khi tôi giảng dạy cho học sinh của mình những từ như café (cà phê), film (phim), cinéma (xi-nê-ma hay còn gọi là rạp chiếu phim), guitare (đàn ghi-ta), le bus (xe buýt)... các em đều ngạc nhiên khi những từ này lại có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Để nói rằng dấu ấn của văn hóa Pháp ở Việt Nam là những điều tốt đẹp, tích cực, làm phong phú thêm chính văn hóa dân tộc chúng ta, làm cho nhân dân giữa hai nước ngày càng gắn kết hơn.

Cầu nối văn hóa và giáo dục

Viện Pháp tại Đà Nẵng được xem là cầu nối ngôn ngữ và văn hóa Pháp tại thành phố. Trong năm 2022, viện phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm tranh “Viet Nam Urban Arts”, “Đêm song tấu piano - violon”, triển lãm tranh ảnh với chủ đề “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Ông Samuel Delameziere bày tỏ: “Khi chúng tôi tổ chức những hoạt động giao lưu văn hóa được rất nhiều người dân Đà Nẵng quan tâm đón nhận, mọi người hưởng ứng nhiệt tình. Những dịp như thế này là điều kiện để những người Pháp sống tại Đà Nẵng và người Đà Nẵng cùng nhau giao lưu, kết nối văn hóa. Hơn nữa, tôi cảm thấy nhân dân giữa hai nước ngày càng gần gũi với nhau hơn”.

Bên cạnh là cầu nối văn hóa giữa hai nước, Viện Pháp tại Đà Nẵng là nơi đào tạo ngôn ngữ Pháp cho mọi cấp độ, lứa tuổi. Không chỉ vậy, trên địa bàn thành phố có các trường tiểu học: Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ; các trường THCS: Trưng Vương, Nguyễn Huệ và các trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám dạy tiếng Pháp như là một ngôn ngữ thứ hai. Vì vậy, ông Samuel Delamezier bày tỏ vui mừng khi Đà Nẵng có nhiều bạn trẻ nói tiếng Pháp và yêu văn hóa Pháp.

“Tôi tin tưởng và hy vọng sẽ tạo nên cộng đồng tiếng Pháp lớn mạnh tại thành phố biển xinh đẹp này. Hơn nữa, chính phủ Pháp luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất dành cho các du học sinh khi sang Pháp học tập, hỗ trợ hết mình để bảo đảm chất lượng dạy tiếng Pháp tại Đà Nẵng và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên Việt Nam”, ông Samuel Delamezier bày tỏ.

THANH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.