DIỄN ĐÀN: ĐÀ NẴNG LÀM GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH NƠI ĐÁNG ĐẾN VÀ ĐÁNG SỐNG?

Phát triển đô thị biển Đà Nẵng

.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, đô thị biển Đà Nẵng cần tăng sức cạnh tranh, nâng tầm vị thế trên bản đồ quốc tế, trở thành nơi hội tụ công dân chất lượng toàn cầu, nơi được chọn để tổ chức những sự kiện lớn tầm cỡ thế giới và khu vực.

Đà Nẵng đang phát triển mạnh hạ tầng đô thị, đầu tư mới các khu đô thị quy mô có kiến trúc hòa quyện với thiên nhiên. Trong ảnh: Khu đô thị ven biển phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn đang hình thành các bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Ảnh: NAM PHƯƠNG
Đà Nẵng đang phát triển mạnh hạ tầng đô thị, đầu tư mới các khu đô thị quy mô có kiến trúc hòa quyện với thiên nhiên. TRONG ẢNH: Khu đô thị ven biển phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn đang hình thành các bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Ảnh: NAM PHƯƠNG

Các đô thị biển thành công trên thế giới

Thế kỷ 21 là thế kỷ của biển, đại dương kết hợp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo xu hướng đó, kinh tế biển là chiến lược cạnh tranh đặc biệt của các quốc gia có biển. Những quốc gia mạnh từ biển, giàu từ biển, hùng cường từ biển như Trung Quốc, Anh, Tây Ban Nha, Italia, Singapore... đều xây dựng thành công mô hình đô thị biển. Hầu hết các cường quốc trên thế giới đều có đô thị biển là trung tâm kinh tế bên cạnh thủ đô là trung tâm hành chính.

Quốc đảo Singapore chỉ có diện tích hơn 728km2, nhưng trước khi đại dịch ập tới, năm 2019 đã hút 19,1 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch lên tới 27,7 tỷ đô la Singapore. Singapore liên tục đứng top đầu trong bảng xếp hạng các thành phố đáng sống nhất thế giới với cơ sở hạ tầng vượt trội, mức độ ô nhiễm thấp và thu hút người nhập cư. Singapore thành công nhờ quy hoạch đô thị sáng tạo, thiết kế thông minh, quản lý và phát triển bền vững. Quốc đảo đã phát huy tối đa tiềm năng không gian công cộng bằng cách kết hợp hiệu quả giữa các hoạt động an cư, thương mại, giải trí.

Trước khi trở thành đặc khu kinh tế, một trong những thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, Thâm Quyến (Trung Quốc) từng là một làng chài nghèo. Thâm Quyến hiện có hệ thống cảng lớn thứ 3 toàn cầu, là trung tâm tài chính thứ 9 thế giới và trung tâm công nghệ hàng đầu, mang lại gần 20% GDP mỗi năm.

Tương tự như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) không có những bãi biển đẹp nhưng vẫn trở thành trung tâm tài chính châu Á nhờ tập trung phát triển đô thị, kiến thiết những công trình đặc biệt. Từ đó, tạo giá trị lan tỏa, sức hấp dẫn cho du lịch và các ngành, nghề khác để thu hút cư dân và du khách.

Theo cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX - Vietnam), hầu hết các thành phố ven biển Địa Trung Hải đều có xu hướng phát triển đô thị kết hợp du lịch. Vùng Côte d’Azur phía nam nước Pháp đón hơn 13 triệu lượt khách du lịch năm 2019 (trong đó một nửa là khách nội địa). Ngành du lịch đóng góp vào GDP địa phương lên tới 7 tỷ Euro mỗi năm.

Khi nghiên cứu các đô thị biển, có thể nhận ra chỉ dấu quan trọng cho sự phát triển thịnh vượng là sự hiện diện của hệ thống cảng biển, vịnh du thuyền đẳng cấp… Bến du thuyền Hercules của Monaco mang lại doanh thu khổng lồ. Chi phí thuê đậu du thuyền tại Hercules ở mức ngất ngưởng, lên tới 1.500 USD/đêm.

Điểm chung của các đô thị biển nổi danh thế giới là không chỉ đầu tư các khu nghỉ dưỡng biển, mà còn phát triển các trung tâm thương mại, công trình tạo điểm nhấn như bến du thuyền, cảng biển, trung tâm tài chính, căn hộ ở cao tầng cao cấp để tối đa hóa không gian. Từ đó, những đô thị này tạo ra nhu cầu đa dạng về ở, thương mại, vui chơi giải trí và du lịch.

Đô thị biển Đà Nẵng có thể cạnh tranh trên đấu trường quốc tế

Đô thị biển Đà Nẵng giàu nội lực để cạnh tranh toàn cầu. Trước hết, Đà Nẵng hiện đang thuộc nhóm phát triển của Việt Nam; kinh tế tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt gần 9%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 3.753 USD, gấp hơn 15 lần so với năm 1997, cao hơn khoảng 1,7 lần GRDP bình quân đầu người cả nước; là 1 trong 16 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng thu du lịch là 25%. Nếu 2004, thành phố chỉ đón 649.106 lượt khách, đến năm 2019 đã đón 8,96 triệu lượt khách (tăng 13,8 lần). Bên cạnh đó, diện mạo đô thị của Đà Nẵng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại; không gian đô thị mở rộng gấp hơn 4 lần so với năm 1997; từ một thành phố chỉ có 360 đường phố, nay Đà Nẵng đã có hơn 2.300 con đường; nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn, hiện đại.

Trước đây, hạ tầng du lịch cao cấp của Đà Nẵng chỉ lác đác một vài tòa nhà, đến nay, Đà Nẵng đã sở hữu hệ thống khách sạn 5 sao đẳng cấp như: InterContinental Danang, Vinpearl, Pullman, BRG, Furama Resort... Đặc biệt, Đà Nẵng sở hữu những danh lam thắng cảnh đẹp và hấp dẫn hàng đầu thế giới. Sức hấp dẫn đó được tạo ra từ sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong việc kiến tạo những biểu tượng du lịch.

Ngoài ra, môi trường đầu tư của Đà Nẵng được đánh giá năng động, thông thoáng; luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số.

Đô thị biển Đà Nẵng cần làm gì để hấp dẫn hơn?

Đà Nẵng đã vang danh trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn chưa thể nổi danh là nơi hội tụ công dân chất lượng toàn cầu. Lý do vì Đà Nẵng chưa đủ hạ tầng cứng và hạ tầng mềm đáp ứng đầy đủ nhu cầu sống của giới trung và thượng lưu.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; đặt ra kỳ vọng và yêu cầu cao với thành phố: “Đến năm 2045, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đẳng cấp khu vực châu Á”. Đà Nẵng còn 20 năm để hiện thực hóa mục tiêu đó. Để cạnh tranh với các đô thị biển nổi danh thế giới, Đà Nẵng cần tháo gỡ những rào cản nào?

Một là, đô thị biển Đà Nẵng không nên chỉ khai thác không gian trên mặt đất mà còn phải khai thác không gian biển và cân đối các không gian nội - ngoại thành. Thành phố cần tạo bước ngoặt lớn về hạ tầng du lịch biển, giao thông đường biển, không chỉ khai thác du lịch trên mặt biển mà còn dưới đại dương, như thế giới vẫn làm các mô hình công viên dưới lòng đại dương... Có giai đoạn Đà Nẵng tập trung phát triển kinh tế du lịch mà chưa chú trọng kinh tế biển. Nghĩa là, Đà Nẵng đang thiếu một thương cảng quốc tế đẳng cấp.

Hai là, Đà Nẵng cần phát triển mạnh hạ tầng đô thị, nhất là đầu tư mới các khu đô thị quy mô. Đô thị Đà Nẵng cần được thiết kế hòa quyện thiên nhiên.

Thành phố Đà Nẵng được quy hoạch hướng ra sông, biển, xen kẽ đồi núi. Các đô thị mới cần được triển khai đồng bộ dựa trên quy hoạch này. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang hình thành các khu công viên phần mềm, khu công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế như: khu Công viên Phần mềm số 1, số 2, Khu phức hợp FPT Complex, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng. Do đó, cần có những quy hoạch bài bản gắn kết giữa các khu đô thị và khu công nghiệp.

Ba là, Đà Nẵng cần hướng tới thu hút dòng khách cao cấp, dần hình thành các câu lạc bộ du thuyền, golf, thu hút các lễ hội, sự kiện mang tầm khu vực và quốc tế. Cần đơn giản hóa thủ tục để kết nối, đưa được nhiều du thuyền về với Đà Nẵng.

Bốn là, đô thị biển Đà Nẵng cần tiếp tục thông minh hơn. Đà Nẵng có thể học tập kinh nghiệm của Singapore trong việc hoàn thiện đô thị thông minh và chính quyền điện tử.

Năm là, cần xác lập vị thế và phát huy giá trị của thị trường bất động sản Đà Nẵng, để lan tỏa cho các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, xây dựng… Kiến tạo thị trường bất động sản đi vào chiều sâu, bám sát quy hoạch, nâng tầm chất lượng, có nhiều dự án đẳng cấp… Giá trị bất động sản thành phố sẽ ngày càng thăng hạng cùng với sự bứt phá của đô thị biển Đà Nẵng.

Ngoài ra, Đà Nẵng nên định hướng trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm thử nghiệm các công nghệ mới, trung tâm phát triển công nghiệp phần mềm. Đà Nẵng cần tiên phong trong chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam để từ đó, thu hút đông đảo công dân số đến sống.

NGUYỄN MẠNH HÀ
Nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng

Báo Đà Nẵng hân hạnh đón nhận ý kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước qua hộp thư điện tử: tsbaodanang@gmail.com

 

;
;
.
.
.
.
.