Tạo "cú hích" trong công tác đánh giá chất lượng cán bộ

.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh, Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, thay thế Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8-10-2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là “cú hích” trong công tác đánh giá chất lượng cán bộ.

Quy định số 96-QĐ/TW là “cú hích” trong công tác đánh giá chất lượng cán bộ. Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (giữa), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (bên phải) và Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh (bên trái) tặng hoa chúc mừng tân Phó Chủ tịch HĐND thành phố và Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn. Ảnh: NGỌC PHÚ
Quy định số 96-QĐ/TW là “cú hích” trong công tác đánh giá chất lượng cán bộ. TRONG ẢNH: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (giữa), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (bên phải) và Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh (bên trái) tặng hoa chúc mừng tân Phó Chủ tịch HĐND thành phố và Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn. Ảnh: NGỌC PHÚ

* Thưa ông, điểm nổi bật của Quy định số 96-QĐ/TW so với với Quy định số 262-QĐ/TW là gì ?

- Đây là hai quy định quan trọng của Bộ Chính trị về công tác lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, Quy định số 96-QĐ/TW là văn bản cụ thể và chặt chẽ hơn việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được thực hiện trong thời gian qua. Tại phần quan điểm, nguyên tắc của quy định đã nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Điều này có nghĩa, trong quy định mới, việc lấy phiếu tín nhiệm từ “kênh thông tin tham khảo” trở thành “sử dụng để đánh giá cán bộ”.

Cạnh đó, tại Khoản 2, Điều 2 của Quy định số 96-QĐ/TW có quy định về việc người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo, giải trình những nội dung có liên quan mà cấp ủy có thẩm quyền yêu cầu hoặc của người ghi phiếu trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Quy định này làm rõ hơn trách nhiệm của người được lấy phiếu và người ghi phiếu, bảo đảm tốt hơn tính công khai, minh bạch trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời nâng cao chất lượng, bảo đảm tốt hơn căn cứ đánh giá cán bộ được sát thực.

Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm không phải chỉ đánh giá bản thân cán bộ đó mà còn xem xét đến việc vợ hoặc chồng, con trong việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là điểm nổi bật được dư luận xã hội đánh giá cao trong bối cảnh hiện nay, bởi thực tế cho thấy, rất nhiều cán bộ từ chức hoặc bị miễn nhiệm, bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố đều do sự không gương mẫu không chỉ của bản thân mà cả của vợ hoặc chồng, con của họ.

* Việc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96-QĐ/TW chắc chắn sẽ tạo ra những áp lực cho người được lấy phiếu nhưng đồng thời cũng là động lực để bản thân người được lấy phiếu hoàn thiện mình. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Theo Quy định số 96-QĐ/TW, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức. Với quy định cụ thể này, nếu cán bộ làm không tốt dẫn tới tín nhiệm thấp sẽ ảnh hưởng đến cá nhân, uy tín chính trị của đội ngũ cán bộ.

Cũng theo đó, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một động lực, áp lực để cán bộ phải phấn đấu, giữ gìn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện tốt các mối quan hệ để có kết quả đánh giá theo ý mình. Đây là mặt tiến bộ, là động lực để mỗi cán bộ thực hiện “tự soi, tự sửa” theo Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây cũng như một biện pháp nhắc nhở, tạo ra yêu cầu cao đối với người được lấy phiếu phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, phải dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách, năng động, sáng tạo, đổi mới...

* Việc lấy phiếu tín nhiệm này liệu có xảy ra tình trạng cảm tính, chủ quan, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ, nhất là đối với những cán bộ có năng lực, dám nghĩ dám làm?

- Để việc lấy phiếu tín nhiệm thực sự hiệu quả, cần phải thực hiện đúng, nghiêm minh, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch Quy định số 96-QĐ/TW. Đặc biệt, phải có một quyết tâm chính trị rất cao trong Đảng và phải có trách nhiệm rất cao của các cấp ủy Đảng, các tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức lấy phiếu tín nhiệm theo quy định.

Bên cạnh đó, người được lấy phiếu tín nhiệm phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác mọi thông tin và khi có vấn đề đặt ra thì phải giải trình trung thực, khách quan, đầy đủ. Những người bỏ phiếu tín nhiệm phải xác định đây là lá phiếu trách nhiệm với Đảng, với dân chứ không phải là lá phiếu của cá nhân mang cảm tính chủ quan. Do vậy, người bỏ phiếu tín nhiệm phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, thận trọng, trung thực, công tâm vì sự nghiệp chung của Đảng đối với người được lấy phiếu tín nhiệm.

Để có thể ngăn ngừa, hạn chế việc cảm tính trong lấy phiếu tín nhiệm, trước hết, các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác này phải tuyên truyền, quán triệt quy định mới này đến từng cán bộ, đảng viên để thấy rõ được tầm quan trọng, trách nhiệm của mình nhằm thực hiện đúng. Đặc biệt, phải xử lý trường hợp có dấu hiệu mất đoàn kết để bảo đảm khi lấy phiếu tín nhiệm một cách công minh, khách quan, trung thực, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, hình thức hay trở thành phong trào “lúc thì lên cao, lúc lại xuống thấp”.

* Đảng bộ thành phố sẽ triển khai Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị như thế nào trong thời gian tới thưa ông?

- Thời gian tới, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành kế hoạch triển khai Quy định số 96-QĐ/TW đến các cấp ủy Đảng, các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền thực hiện trong các tổ chức Đảng, đơn vị, địa phương và toàn bộ cán bộ, đảng viên thành phố. Với nỗ lực, quyết tâm chính trị cao, hy vọng Đảng bộ thành phố sẽ thực hiện hiệu quả quy định của Bộ Chính trị, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NGỌC PHÚ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.