Chính trị - Xã hội

Tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, tái định cư

07:40, 30/01/2023 (GMT+7)

Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn đền bù giải tỏa và thi công. Thực tế này đòi hỏi các sở, ban, ngành, địa phương sớm xây dựng, hoàn thiện và ban hành những cơ chế, chính sách để tháo gỡ.

Thành phố triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, tái định cư. Trong ảnh: Dự án tuyến đường Tuyên Sơn- Túy Loan (đoạn cầu Đỏ - Túy Loan dài trên 7km) sau nhiều năm gỡ vướng mặt bằng thì nay đang thi công hoàn thiện, chuẩn bị thông xe kỹ thuật. Ảnh: N.P
Thành phố triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, tái định cư. TRONG ẢNH: Dự án tuyến đường Tuyên Sơn- Túy Loan (đoạn cầu Đỏ - Túy Loan dài trên 7km) sau nhiều năm gỡ vướng mặt bằng thì nay đang thi công hoàn thiện, chuẩn bị thông xe kỹ thuật. Ảnh: N.P

Nguyên nhân chậm tiến độ

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của UBND thành phố (Báo cáo số 387/BC-UBND ngày 9-12-2022), vướng mắc lớn nhất làm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm là công tác đền bù giải tỏa không đạt về tiến độ thực hiện lẫn kế hoạch vốn được giao. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, kế hoạch triển khai công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2022 là 218 dự án với 14.372 hồ sơ cần giải phóng mặt bằng nhưng đến ngày 30-11-2022, chỉ hoàn thành giải phóng mặt bằng 23 dự án gồm 2.010 hồ sơ được bàn giao mặt bằng, giải quyết tái định cư cho 550 hộ giải tỏa gồm 859 lô đất. Trong đó, tại huyện Hòa Vang, UBND huyện đã giải quyết 876 hồ sơ giải tỏa được bàn giao mặt bằng với tổng vốn giải ngân chi trả đạt 70% kế hoạch vốn. Nguyên nhân là giá trị đền bù hiện nay còn thấp, chưa thỏa đáng nên người dân không đồng tình bàn giao mặt bằng; việc thiếu đất tái định cư, không có đất để bố trí cho các hộ giải tỏa nên rất khó khăn trong công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng.

Tại quận Liên Chiểu, hiện vẫn còn một số dự án công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện xong. Các nguyên nhân, vướng mắc chủ yếu là nhiều trường hợp có giá trị bồi thường về đất rất thấp, không đủ để nộp tiền sử dụng đất cho lô đất tái định cư được bố trí; hộ giải tỏa làm nhà trên đất không phải là đất ở (đất nông nghiệp) sau ngày 1-7-2004, không được bồi thường đất ở và không đủ điều kiện được bố trí tái định cư theo quy định; giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu chưa phù hợp với giá xây dựng thực tế, chưa tương xứng với tài sản người dân bị ảnh hưởng... ở các dự án kéo dài từ năm 2008, 2010, 2011 đến nay, dẫn đến sự chênh lệch về giá bồi thường, nhân công xây dựng, vật liệu xây dựng... Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy cho biết: “Quận đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là về suất tái định cư tối thiểu”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chủ yếu là cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai có nhiều thay đổi, giá đất cũng thường xuyên thay đổi. Bên cạnh đó, sự buông lỏng quản lý đất đai ở địa phương qua nhiều thời kỳ đã xảy ra tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng các công trình trái phép, gây khó khăn, phức tạp khi triển khai công tác xác định pháp lý để bồi thường và tái định cư. Sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương quận, huyện, phường, xã không giải quyết dứt khoát, triệt để dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài, phát sinh biến động trượt giá về đơn giá bồi thường, hỗ trợ...

Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn ở các dự án có nhiều hộ giải tỏa xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Trong ảnh: Lực lượng chức năng quận Liên Chiểu cưỡng chế các trường hợp không chịu bàn giao mặt bằng để thi công dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn ở các dự án có nhiều hộ giải tỏa xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. TRONG ẢNH: Lực lượng chức năng quận Liên Chiểu cưỡng chế các trường hợp không chịu bàn giao mặt bằng để thi công dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Những chính sách hỗ trợ các hộ giải tỏa

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, ngày 22-10-2021, UBND thành phố ban hành công văn xem xét hỗ trợ các hộ giải tỏa đất nông nghiệp và hộ sản xuất canh tác trên đất do UBND phường, xã quản lý với số tiền 20 triệu đồng/hộ/dự án. Tiếp đó, ngày 9-4-2022, UBND thành phố ban hành công văn thống nhất chủ trương cho phép UBND các quận, huyện căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của từng hộ giải tỏa được quyền quyết định các khoản hỗ trợ khác (ngoài các khoản bồi thường, hỗ trợ theo quy định) với số tiền lũy kế tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ. Ngày 25-4-2022, Văn phòng UBND thành phố ban hành thông báo truyền đạt chủ trương của UBND thành phố thống nhất tiếp tục giao các hội đồng bồi thường kiểm tra đề xuất cụ thể về chính sách thực hiện bồi thường cho từng dự án cụ thể về giá đất, mức hỗ trợ trượt giá cụ thể, khái toán kinh phí tăng thêm... và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến, trình UBND thành phố xem xét, quyết định.

Đặc biệt, ngày 4-11-2022, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kết luận số 341-KL/TU giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị triển khai chính sách giải quyết tái định cư cho các trường hợp xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở trước ngày 1-7-2004 phù hợp với tình hình của thành phố và theo quy định, bảo đảm điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo Luật Đất đai và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với các trường hợp xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở sau ngày 1-7-2004, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu chính sách, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét trong thời gian đến.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng An cho rằng, để giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách giải tỏa, đền bù và bố trí tái định cư, thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-HĐND ngày 15-12-2022 của HĐND thành phố về nhiệm vụ năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo quy định về hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu để báo cáo, trình UBND thành phố phê duyệt. Trong khi đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm nhìn nhận: “Việc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, trình UBND thành phố có chủ trương hỗ trợ theo suất tái định cư tối thiểu sẽ là cơ sở giải quyết các vướng mắc cũng như tập trung giải quyết các vấn đề về thủ tục, chính sách bố trí tái định cư, hỗ trợ cho các hộ giải tỏa xây dựng nhà trên đất nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ đền bù khác, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, giải ngân vốn trong năm 2023”.

HOÀNG HIỆP

.